Đổi đời từ cây gai xanh - Bài 1: Cây trồng mới mang nhiều kỳ vọng!

Nguyễn Chung 06/06/2022 08:00

Đề án đưa cây gai xanh làm cây kinh tế mũi nhọn, thay thế các loại cây trồng mang tính truyền thống kém hiệu quả như: Mía, sắn, keo… tại các huyện Trung du và miền núi tại Thanh Hóa đang đem lại những hiệu ứng tích cực. Chi phí đầu tư thấp, chịu hạn, ít sâu bệnh và cho năng suất cao, chỉ trong một thời gian ngắn, cây gai xanh đã bắt đầu giúp người nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo. Tuy nhiên, để cây gai trở thành vùng nguyên liệu lớn, đủ cung ứng cho nhà sản xuất, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Cây gai đang mang lại cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người nông dân tại Thanh Hóa.

Chỉ sau 2 năm đưa vào trồng và khai thác, cây gai xanh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã đem lại những hiệu quả kinh tế bất ngờ. Nhiều hộ dân đã thực sự thoát nghèo và đứng trước cơ hội làm giàu từ giống cây trồng mới này. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây gai xanh còn đang góp phần làm thay đổi tư duy cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, chuyên nghiệp.

Những nông dân nhạy bén

Trong cái nắng cuối tháng 5, ông Nguyễn Đình Thảo - Trưởng thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) dẫn chúng tôi ra khu đồi trồng gai của mình. Chỉ hơn 2 tuần sau vụ thu hoạch đầu tiên trong năm, những chồi gai xanh đã vươn lên đến độ cao từ 1,2m - 1,7m, phủ kín những triền đồi vốn trước kia được trồng các loại cây như, mía, sắn, ngô… Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, đây là năm thứ 2 gia đình ông Thảo được hưởng thành quả từ Đề án phát triển cây gai xanh của tỉnh Thanh Hóa.

Vừa đưa dao phát những bụi cây dại mọc lấn vào ruộng gai, ông Thảo vừa kể về hành trình đến với cây gai của mình: Năm 2020, ngay sau khi được cán bộ nông nghiệp của xã, huyện tuyên truyền về giá trị của cây gai xanh, gia đình ông mạnh dạn chuyển 1,5ha (trong tổng số gần 2ha) đất trồng sắn kém năng suất sang trồng thử nghiệm với cây gai xanh.

Gặp điều kiện khí hậu thuận lợi, hợp với thổ nhưỡng, cây gai đã nhanh chóng phát triển. Đến hết năm 2021, gia đình ông đã thu hoạch 4 vụ gai của năm đầu tiên. Theo tính toán của ông Thảo, cứ mỗi 1ha gai tươi sẽ thu về 1 tấn sợi khô, giá thu mua của nhà máy dao động từ 40 - 47 triệu đồng/1 tấn, với 1,5ha gai nhân với 4 vụ, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông lãi được khoảng 134 triệu đồng. “Trước kia toàn bộ diện tích này chúng tôi sử dụng để trồng ngô, sắn, mía và keo, thậm chí là xoay cả sang trồng củ đậu để phát triển kinh tế nhưng cũng không mấy hiệu quả.

Với những giá trị mang lại như hiện tại, rõ ràng cây gai đã cho năng suất kinh tế đạt gấp 4 - 5 lần so các cây trồng trước đó. Dự tính vào cuối năm nay, gia đình chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích còn lại sang trồng cây gai xanh để phát triển kinh tế” - ông Thảo nói.

Là một trong những hộ tiên phong trồng cây gai xanh quy mô lớn tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, bà Phạm Thị Thanh - người được xem là “đại gia” gai xanh của vùng gai Cẩm Tú cho biết: Từ năm 2018, gia đình bà đã bắt tay thử nghiệm trồng cây gai xanh. Nếu như năm đầu tiên bà mới trồng thử 1ha vì lo chi phí cao và không có đầu ra thì đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích lên 19,2ha do nhận thấy lợi nhuận cao và đầu ra ổn định.

Theo bà Thanh, ưu điểm khi trồng cây gai xanh là chi phí đầu tư thấp (khoảng 30 triệu đồng/ha, trong đó chi phí cho giống là 10 triệu đồng, phân bón 10 triệu đồng, phần còn lại là tiền công trồng), cây rất dễ phát triển, ít sâu bệnh và đặc biệt là không phải diệt cỏ. Nếu trồng đúng kỹ thuật thì sau 75 ngày có thể thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày, chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5m. Một lần trồng có thể thu hoạch tới 10 năm mới phải trồng lại.

Hầu như toàn bộ các sản phẩm từ cây gai đều được tận dụng sau khai thác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây có thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh. Giá thu mua vỏ khô loại 1 là 47.000 đồng/kg và loại 2 là 42.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg. Bình quân 1 năm, cây gai xanh cho thu hoạch 4 - 5 vụ với năng suất 1 vụ từ 20-25 tấn/ha, cho thu nhập bình quân từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm và đánh giá năng suất cây gai xanh tại huyện Cẩm Thủy.

Hướng đến sự bền vững trong nông nghiệp

Nói về giá trị, vai trò của cây gai xanh trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết: Do cây gai khá phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại địa phương nên đã phát triển khá nhanh chóng cả về diện tích trồng lẫn năng suất. Hiện toàn xã có 95ha cây gai đã cho thu nhập. Trong năm 2022, theo kế hoạch huyện giao chuyển đổi thêm 10ha nhưng xã phấn đấu vượt chỉ tiêu là trồng mới đạt 15ha và từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn tất chuyển đổi 150ha sang trồng cây gai xanh theo kế hoạch. “Cây gai xanh đang thực sự mở ra hướng đi mới cho bà con vùng đồi núi trung du như địa phương chúng tôi. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là loại cây trồng có thể giúp người nông dân thoát nghèo bền vững và có thể làm giàu một cách chính đáng trên đất của mình” - ông Phương khẳng định.

Cũng nói về vấn đề này, ông Lê Văn Trung - Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết: Trong thời gian tới, huyện xác định lấy cây gai xanh làm mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Riêng trong năm 2022, Cẩm Thủy phấn đấu trồng mới từ 300 - 400ha gai xanh, hướng tới mục tiêu duy trì ổn định đến năm 2025 đạt từ 1.000 - 1.200ha cây gai xanh. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả của cây gai xanh đến người dân, hướng dẫn các hộ dân tham gia vào Hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất cây gai xanh theo hướng chuyên nghiệp và cơ giới hóa, tăng năng suất. Cùng với đó, huyện Cẩm Thủy cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các nhà máy, doanh nghiệp trong việc cam kết thực hiện hợp đồng sản xuất, thu mua cũng như tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện (như quá trình hỗ trợ vốn, cho thuê đất sản xuất, phân bón...), nhằm mục tiêu hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người trồng gai.

“Nếu những kế hoạch sản xuất, phát triển cây gai xanh đạt được như kỳ vọng trên cơ sở Nghị quyết mà huyện đã đề ra, đây sẽ là hướng đi mới mang tính bền vững trong nông nghiệp, là động lực thay đổi diện mạo nông thôn cũng như cơ sở để huyện Cẩm Thủy hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025. Đồng thời, góp phần giúp người dân sở tại tiếp tục vươn lên thoát nghèo, làm giàu trong tương lai không xa” - ông Trung nói.

(Còn nữa)

Tại Việt Nam hiện có gần 2.000ha chuyên canh cây gai xanh phân bố ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên… cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, có công suất thiết kế 10.000 tấn cọc sợi, 1.400 tấn bông gai/năm. Riêng tại Thanh Hóa, hiện đã quy hoạch diện tích trồng cây gai xanh cho nhà máy của An Phước tại 18 huyện, tổng quỹ đất xác định phù hợp và chuyển sang trồng gai xanh nguyên liệu là 6.457ha. Đến nay, cây gai xanh đã được trồng tại 16/18 huyện trong phạm vi Đề án xác định với diện tích 703ha, đạt trên 10% kế hoạch tổng diện tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi đời từ cây gai xanh - Bài 1: Cây trồng mới mang nhiều kỳ vọng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO