Đối mặt thách thức từ nội tại nền kinh tế

H.Vũ 09/05/2019 07:44

Ngày 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của Chính phủ. Đồng tình với những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại về áp lực lạm phát khi lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84% vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%).

Đối mặt thách thức từ nội tại nền kinh tế

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. (Ảnh: T.L.)

Kinh tế năm 2019 sẽ đối mặt với những thách thức

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức và hạn chế, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn còn một số nhóm tồn tại, hạn chế như: Công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.

Bộ trưởng cũng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm, một số tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để. Việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật. Môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn. Kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình hình an ninh, trật tự tại một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Về tình hình của năm 2019, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.

Cử tri bức xúc về việc tăng giá xăng, giá điện

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, dư luận, cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, nhất là giá điện, dư luận hoài nghi về tính minh bạch và đặt vấn đề trong cơ cấu giá thành điện thì cái nào hợp lý và không hợp lý? Phương pháp tính bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt còn phù hợp hay không, cũng như thời điểm tăng giá?

Theo bà Nga, dư luận cử tri hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương thanh tra việc tăng giá điện vừa qua. Tuy nhiên, việc kiểm tra, thanh tra giá điện phải giải đáp được vì sao tăng, điểm hợp lý và bất hợp lý trong cơ cấu giá điện cũng như sự đảm bảo của các yếu tố thị trường khi mảng điện lực độc quyền. Ngoài ra, phương pháp tính giá điện bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được cho là chưa phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay. Nhiều gia đình ít người hết sức tiết kiệm cũng sử dụng không dưới mức thấp nhất.

“Vì sao lại tăng giá điện vào thời điểm nóng nhất, khi người dân dùng điện nhiều, cộng với giá điện luỹ tiến dùng càng nhiều phải trả càng cao? Chúng tôi chưa có đánh giá nhưng đề nghị kiểm tra để trả lời dư luận. Tăng nhưng phải rõ căn cứ, cái gì chưa phù hợp thì cần điều chỉnh”-bà Nga đặt vấn đề.

Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP 2019 đạt 6,78%

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm 2019, nhìn chung vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Chính phủ nhận định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý 1-2019 là 6,79%, là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm 2016 (5,48%), năm 2017 (5,15%), chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,45%). So với mục tiêu tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019 của Chính phủ đã đề ra thì còn tương đối khiêm tốn.. Với mức tăng trưởng quý 1 nêu trên, Chính phủ nhận định nếu các quý còn lại của năm nay đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối mặt thách thức từ nội tại nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO