Đòi nợ kiểu 'khủng bố': Nhiều giáo viên, công chức bất an

Điền Bắc 24/06/2022 08:54

Thời gian qua, hàng chục cán bộ công chức, giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An bức xúc, lo lắng trước tình trạng đòi nợ kiểu “khủng bố” của một số tổ chức tài chính, tín dụng. Điều đáng nói, những người bị đòi nợ hầu như không vay tiền, và thực tế là họ bị liên lụy...

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An liên tiếp khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng
trong đường dây “tín dụng đen”.

Muôn kiểu “khủng bố”

Trong số các cán bộ, giáo viên bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố” gần đây nhất phải kể đến là bà Ngô Thị H., hiện đang Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Trong khoảng gần 2 ngày, bà H. liên tục nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ nhiều số lạ đe dọa, vu khống dù bà và người thân không hề vay tiền của ai. Quá trình tìm hiểu, bà H. mới rõ, mình đang bị một tổ chức tín dụng, chuyên cho vay qua app điện thoại đòi nợ mà lâu nay dư luận đã từng nhắc đến.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà H. cho biết, nguyên nhân mình bị “khủng bố” là do tại xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn có một công nhân vay tiền của tổ chức tín dụng này (người này hiện sống ở miền Nam). Sau khi liên lạc đòi nợ không được, tổ chức tín dụng này liền “tấn công” mẹ của người nợ đang sinh sống tại xã Cẩm Sơn và sau đó chuyển sang “tấn công” cả lãnh đạo xã, rồi lãnh đạo huyện.

“Thậm chí, không hiểu vì sao chúng biết tôi hiện đang phụ trách theo dõi xã Cẩm Sơn nên điện thoại khủng bố. Liên tục gần 2 ngày, khoảng gần 10 số điện thoại lạ gọi, nhắn tin đòi nợ. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn gán ghép hình ảnh, mạo danh Cổng thông tin điện tử huyện Anh Sơn đăng tải thông tin vu khống tôi là bao che cho 2 cán bộ xã Cẩm Sơn vay tiền, chiếm đoạt. Trong khi trên thực tế, 2 vị cán bộ này cũng không vay tiền ai”, bà H. bức xúc nói.

Những kẻ đòi nợ mạo danh Cổng thông tin điện tử huyện Anh Sơn gán ghép hình ảnh để vu khống bà H.
và các lãnh đạo xã Cẩm Sơn.

Cũng theo bà H. tổ chức tín dụng này còn lấy được danh bạ điện thoại của bà, rồi nhắn tin cho khoảng 70 người, vu khống bà H. nhận tiền hối lộ, ăn chặn tiền của người dân Cẩm Sơn.

“Ngoài tôi ra, nhiều cán bộ xã Cẩm Sơn cũng bị khủng bố tương tự, bị vu khống ăn chặn tiền từ thiện của người dân. Tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm việc này” - bà H. cho biết.

Không chỉ bà H., trước đó nhiều giáo viên tại một số huyện ở Nghệ An cũng bị đòi nợ theo kiểu tương tự. Đơn cử như tại TP Vinh, không chỉ giáo viên, ngay cả Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cũng bị đòi nợ.

“Chúng gọi điện thoại liên tục, có khi xưng là người của công ty tài chính, có khi yêu cầu tôi chỉ đạo cô này cô kia trả tiền. Chúng còn bảo, nếu không làm được thì nghỉ việc đi. Khi tôi yêu cầu họ đưa các giấy tờ vay, nhận tiền của giáo viên đó đến nơi giáo viên này công tác thì họ mắng chửi, rất phiền hà và bức xúc” - vị này cho biết.

Đối tượng đòi nợ còn ghép ảnh con cái, giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhà của nhiều giáo viên,
lãnh đạo phòng GD&ĐT để gây áp lực cho việc đòi nợ.

Đó cũng là những phiền toái mà ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành gặp phải khi liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ, dù bàn thân ông không vay tiền. Thậm chí, chúng còn gọi thoại “yêu cầu nghỉ việc” nếu không chỉ đạo cấp dưới trả nợ.

“Rất phiền phức nhưng cứ chặn số này thì chúng lại dùng số khác để gọi” - ông Tĩnh nói.

Cảnh báo

Trước tình cảnh trên, mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An đã yêu cầu các phòng Giáo dục, đơn vị trực thuộc sở báo cáo danh sách cán bộ, giáo viên bị “khủng bố” đòi nợ về sở, để sở chuyển cho cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Đồng thời, yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian.

Trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức tín dụng khác) đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, bị đe dọa, khủng bố, cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý.

Cũng theo phòng GD&ĐT Nghệ An, hiện mới thống kê được 95 người bị khủng bố đòi nợ. Trong số này, có 25 người xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng. Còn lại 70 người không vay nhưng vẫn bị khủng bố đòi nợ. Trong các địa phương báo cáo, TP Vinh chiếm số đông với 32 cán bộ, giáo viên bị khủng bố đòi nợ.

Trong số 25 giáo viên xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng, có trường hợp của 1 nữ giáo viên cho biết, từ khoảng tháng 4 đến tháng 5/2021, cô có vay của các tổ chức tín dụng tổng số tiền 40 triệu đồng. Từ đó đến nay, cô đã phải trả tổng số tiền 120 triệu đồng. Nhưng hiện vẫn bị các tổ chức tín dụng này quấy rối đòi nợ. Chúng thông báo cô còn nợ 100 triệu đồng…

Thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã liên tục khởi tố nhiều vụ án “tín dụng đen” với phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại di động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đòi nợ kiểu 'khủng bố': Nhiều giáo viên, công chức bất an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO