Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng cải thiện

Thanh Châu 06/08/2019 15:00

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân 4%/năm, thu nhập bình quân đầu năm 2018, đạt  hơn 43,6 triệu đồng/người/năm.

Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng cải thiện

Chị Thạch Thị Sắc ở ấp Ba So ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang vay vốn ưu đãi phát triển đàn bò Ảnh: TL.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, năm 2018, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ gần 52 tỷ đồng, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng 76 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo chương trình 135; hỗ trợ gần 800 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm 2019, tỉnh đầu tư gần 62 tỷ đồng cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer; trong đó nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ là 52,5 tỷ đồng, vốn viện trợ của Chính phủ Ai - Len đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 9 tỷ đồng.

Đến nay, nguồn vốn Chương trình 135 đã được tỉnh đầu tư duy trì, bảo dưỡng và xây dựng mới 105 công trình hạ tầng giao thông cho các xã có đông đồng bào Khmer đang xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ thực hiện 46 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho đồng bào Khmer nghèo và tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đối với nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai - Len, tỉnh xây dựng 10 công trình cho 5 xã đặc biệt khó khăn gồm: Ngũ Lạc, Đôn Châu (huyện Duyên Hải); Tân Hiệp (huyện Trà Cú); Mỹ Hòa, Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang).

Theo ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ở tỉnh Trà Vinh đã được thụ hưởng nhiều chính sách của Ðảng và Nhà nước: Cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện; hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất…

Châu Thành là huyện có đông đồng bào người dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh (chiếm 33,60%). Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình 135, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số huyện có nhiều thay đổi, chuyển biến rõ rệt, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. 3 năm qua Châu Thành đã đầu tư trên 17,2 tỷ đồng để thực hiện 18 phương án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư 22 công trình cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 9 công trình hạ tầng và tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở…Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,40% năm 2016 xuống còn 8,31% vào cuối năm 2018, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số năm 2018 là 15,21%.

Về xã nông thôn mới Kim Hòa (huyện Cầu Ngang) hôm nay dễ dàng nhận ra diện mạo phum, sóc đang khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer được nâng lên rõ rệt. Bắt đầu từ những mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi bò sinh sản, nuôi heo và nuôi gà bằng điện lót sinh học…đời sống của bà con ngày càng khấm khá hơn, những mái nhà khang trang, những con đường bê tông trải dài thẳng tắp, ruộng vườn xanh mướt.

Có thể nói, các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh thời gian qua đã giải quyết những khó khăn về đời sống của người dân, bộ mặt các phum, sóc đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Thành quả đó tiếp tục góp phần khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đã đang và tiếp tục được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng cải thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO