Đón Tết an toàn

Miên Thảo 10/01/2022 07:13

Tết đang đến gần cũng là lúc câu chuyện một số địa phương “vận động” người dân không về quê ăn Tết với lý do phòng, chống dịch Covid-19 đang làm nóng dư luận. Cụ thể, một số địa phương (chủ yếu là cấp huyện, cấp xã) có văn bản “vận động” bà con quê mình đang làm ăn nơi xa không nên về quê ăn Tết. Có nơi còn khuyến cáo nếu có về thì phải tới quê trước Tết 22 ngày và phải xét nghiệm âm tính 3 lần với SARS-CoV-2. Có nơi lại yêu cầu người về quê từ vùng dịch cấp độ 3 phải tự cách ly trong nhà 10 ngày. Nếu thế, thì còn gì là Tết.

Một số địa phương vận động người dân không về quê ăn Tết. Ảnh: Quang Vinh

Những “vận động” như vậy đã dấy lên nhiều lo ngại, kể cả phản ứng từ phía người có nhu cầu về quê đón Tết cũng như gia đình, người thân của họ tại địa phương. Cho dù chỉ là “thư ngỏ”, “vận động”, “khuyến cáo” đi chăng nữa thì điều đó cũng đã tác động tới rất nhiều người.

Nhiều ý kiến cho rằng, đó chính là tâm lý hoảng sợ trước dịch bệnh, khi cả nước đã chuyển sang sống chung an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Chính phủ quyết định như vậy (Nghị quyết 128) là dựa trên diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở ta đã rất cao (theo Bộ Y tế thì Việt Nam là quốc gia hàng thứ 6 về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19). Vậy thì không lý do gì mà các địa phương lại tự ý “vận động”, “khuyến cáo” người dân đi làm nơi xa không về quê ăn Tết.

Có người cho rằng, việc “vận động” người dân không về quê ăn Tết là vô cảm. Cái Tết đối với người Việt Nam rất quan trọng, là dịp để đoàn tụ, để thăm hỏi người thân, cũng là những ngày ngắn ngủi để những người xa quê được sống trong không khí ấm áp của người thân, họ hàng, làng xóm; được thăm nom cha mẹ, ông bà... Nếu như họ không được về quê, phải đón Tết nơi xa trong lúc nhà nhà đoàn tụ, thì nỗi buồn sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

Đó là về tình cảm. Còn thì trong tình hình hiện nay, như đã nói số người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là rất cao, nếu như không để họ về quê thì khác nào tạo ra tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng trên chính quê hương mình. Năm 2021, chúng ta đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh để chống dịch, nên Tết này nhu cầu về quê ăn Tết sẽ là rất lớn, nó như một khao khát đoàn viên cho “thỏa nỗi nhớ mong”. Trải qua những tháng ngày dịch dã khốc liệt, cầm cự lâu dài, mỗi người cũng đã tự rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân cũng như cộng đồng. Vậy thì có nhất thiết phải quá hạn chế việc đi lại, sum vầy?

Việc lựa chọn về quê ăn Tết hay không phải là lựa chọn của mỗi người dân, chính quyền không cần thiết phải bảo họ đừng trở về. Không nên vì quá sợ dịch, hay tệ hơn là lãnh đạo địa phương sợ “bung”, sợ “toang”, sợ “mất ghế” mà dùng các biện pháp hạn chế gây khó dễ để không cho người dân về quê ăn Tết.

Trong bối cảnh hiện nay, thay vì cấm cản thì nên thống nhất quan điểm “đón Tết an toàn”. Có nghĩa là không chỉ với người xa quê mà là với bất cứ ai cũng cần phải có trách nhiệm tự bảo vệ trước dịch. Như vậy, vừa là cách chủ động phòng, chống dịch vừa không trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ, vừa là dịp truyền cảm xúc tích cực cho người dân. Cảm xúc tích cực ấy sẽ trở thành năng lượng tích cực cho mọi người trong cuộc sống nói chung và trong cuộc chiến với Covid-19 nói riêng.

Trong tình hình mới “sống chung” với Covid-19, phải xác định kiểm soát rủi ro chứ không phải là “ngăn sông cấm chợ”. Việc này phải thống nhất trong toàn quốc chứ không phải là “lệ làng”. Ngay cả trong lúc dịch bùng phát, Chính phủ cũng đã từng phải “tuýt còi” một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.

Cuối cùng cũng nên nhắc lại rằng, Chính phủ đã có Công điện yêu cầu ngành Giao thông phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; bảo đảm linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh... Vì vậy, lẽ nào địa phương lại cấm cản?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đón Tết an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO