Đồng thuận, thương lượng để tìm sự thống nhất

Lan Hương 07/08/2015 07:00

Về việc Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) phải tạm dừng và chưa thể chốt phương án cuối cùng, ngày 6/8, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông René Robert, Quyền Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, Hội đồng cần xây dựng sự đồng thuận giữa tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động và tiến hành thêm các phiên họp thương lượng để các bên có đủ thời gian dung hòa lợi ích khác biệt trên cơ sở số liệu khoa học và lập luận thuyết phục.

Đồng thuận, thương lượng để tìm sự thống nhất

Tăng lương được xem là giải pháp góp phần tăng năng suất lao động

Ảnh:Hồng Kiều

Nỗi niềm... “người” đứng giữa

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia thẳng thắn cho biết, dù suốt một ngày phân tích, tranh luận các phương án nhưng đến phút cuối cùng thì Hội đồng đã không có được sự thống nhất của các thành viên và các bên nên đã phải dừng cuộc họp và để họp một cuộc họp khác, dự kiến là khoảng sau 15 ngày nữa.

Mặc dù không trực tiếp đề cập tới nội dung buổi họp diễn ra trong không khí nảy lửa, song vị Chủ tịch Hội đồng thừa nhận: “Bản thân tôi là chủ tịch Hội đồng cũng cố gắng điều hành để các bên đi đến gần hơn với nhau về quan điểm và con số để có thể bỏ phiếu thông qua, tuy nhiên việc này đã không thể xảy ra. Sau khi hội ý, phía VCCI đã đề nghị dừng cuộc họp”.

Lý giải cho việc dừng cuộc họp, ông Huân cho biết, mức đề xuất của hai bên là Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI chênh nhau quá lớn. Ban đầu VCCI đề nghị tăng 7,2% với mức tăng tuyệt đối khoảng 250.000 đồng. Tuy nhiên Tổng LĐLĐ Việt Nam thì đề nghị tăng từ 350.000-550.000 đồng. Tuy nhiên sau khi có sự phân tích đánh giá thì các phương án đã có sự điều chỉnh giữa các bên. Cụ thể mức đề xuất phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có rút xuống một chút và phía VCCI đã tăng lên một chút. Dù vậy vẫn không thể đi đến thống nhất và cuộc họp lần sau cũng chưa biết có thể thông qua hay không.

Tuy chưa thể quyết về mức đề xuất trình Chính phủ, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng cho rằng các phương án và mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra cũng hoàn toàn toàn hợp lý. Về quan điểm cá nhân, ông Huân cho rằng mức đề xuất tăng phải trên 10% một chút mới hợp lý.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định, cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia dừng lại khi chưa chốt được phương án cũng là hợp lý. “Nếu chúng ta trình Thủ tướng một con số mà giữa các bên chưa có được sự đồng thuận, thì sau này sẽ có rất nhiều ý kiến không hay. Vì vậy dừng lại để bàn thêm để tìm được tiếng nói chung là hợp lý” - ông Huân nói.

Điều chỉnh lương tối thiểu cần có sự hài hòa

Nhận định về mức đề xuất chênh lệch nhau giữa tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động, ông René Robert, Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động thường có những đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu rất khác nhau do mỗi bên đều đang đại diện lợi ích cho các thành viên của mình. Sự khác biệt này là phổ biến tại các quốc gia khác trên thế giới.

“Theo quan sát của ILO, năm nay mức độ chênh lệch trong đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu giữa công đoàn và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã giảm so với những năm trước, cho thấy rằng hai bên đã ghi nhận quan điểm và lợi ích của phía bên kia” - ông René Robert nói.

Thực tế trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng vào năm 2013 khi Hội đồng mới bắt đầu thành lập, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu bình quân 29,5% cho 4 vùng trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng tối đa là 10%. Tuy nhiên vào năm 2014, mức tăng mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất đã giảm xuống bình quân là 22,9% cho 4 vùng và VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu từ 10-12%.

Khi được hỏi ILO nhận định như thế nào về mức tăng tiền lương tối thiểu năm 2016, ông René Robert thẳng thắn cho rằng, ILO không có vai trò khuyến nghị mức tăng tiền lương tối thiểu cụ thể tại Việt Nam. Tuy nhiên ILO hỗ trợ Hội đồng xây dựng khuyến nghị trình Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.

“ILO cho rằng việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu nên được thực hiện thường xuyên và căn cứ trên cả các yếu tố xã hội và kinh tế, ví dụ nhu cầu của người lao động và gia đình họ, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức năng suất lao động và mong muốn duy trì việc làm” - ông René Robert đưa ra khuyến nghị.

Cũng theo ông René Robert, việc làm thế nào để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa 2 yếu tố xã hội và kinh tế là một thách thức. Thương lượng năm nay của Hội đồng đã có sự khởi đầu thuận lợi khi cả tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động đều thấy cần phải tăng lương tối thiểu. ILO cũng ghi nhận rằng Hội đồng đang xây dựng một lộ trình để tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều này sẽ làm tăng tiền lương tối thiểu trong ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng thuận, thương lượng để tìm sự thống nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO