Đột phá từ kinh tế số

Thanh Giang 16/04/2022 09:00

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, kỳ vọng kinh tế TPHCM sẽ có những đột phá mới. Đó là thông tin được lãnh đạo thành phố chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2022 – HEF 2022” do UBND thành phố tổ chức ngày 15/4.

TP HCM hướng đến nền kinh tế số để nâng cao hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh.

Thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra đứt gãy hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội TPHCM. Cuối năm 2021, kinh tế trên địa bàn suy giảm đến 7,4%, hầu hết các doanh nghiệp (DN) phải chống chọi, vượt qua khó khăn để tồn tại chờ cơ hội hồi sinh. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, công nghệ số trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số. Theo ông Mãi, thành phố với hơn 95% là các DN vừa và nhỏ cùng với hơn 300 nghìn hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế thành phố.

Nói về kinh tế số, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, giai đoạn hiện nay thế giới có 2 nền kinh tế: nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế truyền thống. Nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ đến nỗi lấn át kinh tế truyền thống. Mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó kinh tế số đóng góp 40% GRDP. Ủng hộ TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho DN, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. TPHCM đạt mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn cả nước. “Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Từ kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số của TPHCM, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM cho rằng, thành phố có nhiều lợi thế với các chính sách mang tính đột phá, có quy mô nền kinh tế lớn. Thành phố là trung tâm đổi mới sáng tạo, đội ngũ nhân lực dồi dào. Trong đó, có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại và internet cao nhất cả nước. Song, để phát triển kinh tế số, thành phố phải chú ý đến chuyển đổi số và hạ tầng công nghệ thông tin cho chuyển đổi số.

Không phát triển theo phong trào

Để kế hoạch phát triển kinh tế số đạt hiệu quả, ông Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM sẽ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số giúp DN phát huy tính sáng tạo, tiếp cận các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số. “Thành phố cũng đề cao vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách để DN thực hiện quá trình chuyển đổi số. Mối quan hệ giữa nhà nước - DN và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số” - ông Mãi nhấn mạnh.

Mong muốn TPHCM phát triển mạnh mẽ kinh tế số, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam. Trong khi đối với nhiều quốc gia, vấn đề này không mới do đó, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế. Việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không máy móc. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, để tránh lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, thành phố cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong giai đoạn trước mắt, khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, một việc rất quan trọng là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá từ kinh tế số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO