Du lịch cần sức bật quảng bá

Vũ Trần 20/10/2016 09:50

Giờ đây ngành Du lịch được đầu tư nhiều ngân sách để phát triển. Câu chuyện đầu tư nhiều tiền cho phát triển du lịch, hay cần thay đổi cách làm để thu hút du khách quốc tế đã được các chuyên gia du lịch đặt ra.

Xúc tiến du lịch Việt Nam vẫn còn lộ rõ nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa).

Du khách quốc tế, đích đến của thị trường du lịch

Dù chỉ chiếm số lượng nhỏ trong cơ cấu khách du lịch, song nhóm khách du lịch quốc tế có đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành du lịch hằng năm. Cụ thể, theo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 trong ấn phẩm “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011-2015” do Tổng cục Thống kê thực hiện, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 năm 2011-2015 đạt 36,4 triệu lượt, tăng 74,3% so với giai đoạn 2006-2010.

Trong khi chi tiêu bình quân hằng ngày của khách du lịch trong nước đạt 977,7 nghìn đồng năm 2011 thì mức chi tiêu này là 105,7 USD ở du khách nước ngoài. Theo nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh), doanh thu của ngành Du lịch sẽ tăng mạnh nếu du khách quốc tế quay lại Việt Nam nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn. Còn Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo, chi tiêu của khách nước ngoài tới Việt Nam sẽ tăng 2,2% trong năm 2016 và tăng 6,8% mỗi năm trong 10 năm tới, đạt hơn 422 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của các tổ chức này, Việt Nam đang triển khai những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Không chỉ là chuyện thiếu tiền

Để thu hút khách du lịch quốc tế, ngoài yếu tố nội tại của ngành Du lịch, việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch Việt đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, như thừa nhận Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp và kém hấp dẫn hơn so với nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore. Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung lại là sự thiếu thốn về ngân sách và những bất cập trong quản lý. Mỗi năm, ngành Du lịch được cấp khoảng 30 - 40 tỷ đồng để xúc tiến du lịch, từ nguồn đó tiếp tục chia nhỏ ra rất nhiều đầu việc. Trong khi các nước láng giềng chi rất mạnh tay cho hoạt động này, có khi tới hơn trăm triệu USD trong một năm (như Malaysia là 130 triệu USD/năm, Singapore là 100 triệu USD/năm). Ông Tuấn cũng cho rằng, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải ghi nhận những đóng góp của ngành du lịch cho kinh tế - xã hội của đất nước để qua đó có sự đầu tư ngân sách phù hợp cho hoạt động quảng bá du lịch quốc tế.

Trong một bài viết về du lịch Việt Nam mới đây đăng trên tạp chí Forbes, cây viết Brett Davis cho rằng Việt Nam cần tăng các khoản quỹ xúc tiến du lịch để hiện thực hóa mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách quốc tế cũng như doanh thu từ ngành du lịch của nước ta vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, vấn đề ở đây không hoàn toàn vì thiếu kinh phí. Ông Bình chia sẻ, bao nhiêu năm tham gia các hội chợ du lịch quốc tế cho thấy, cách quảng bá của du lịch Việt Nam quá cũ kỹ. Trong khi rất nhiều nước đã có sự thay đổi bằng những hình ảnh mới về điểm đến, sử dụng các sản phẩm trình chiếu đa phương tiện thì gian hàng của nước mình vẫn loanh quanh những hình ảnh biểu trưng cho mái đình, mái chùa và khá đơn điệu. Thậm chí, nhiều năm liền ngành du lịch tổ chức xúc tiến tại một nước, nhưng nhiều người dân tại đây vẫn không biết đến Việt Nam.

Trước đó, phát biểu ở một hội nghị xúc tiến du lịch ở tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng việc thiếu sáng tạo, chứ không phải thiếu tiền, mới là vấn đề. Phó Thủ tướng dẫn chứng, một đoạn video kéo dài 9 phút với các phiên bản được chuyển sang 9 thứ tiếng đã có hiệu quả đáng kể trong việc tiếp thị Việt Nam ra thế giới.

Chuyên gia du lịch lữ hành Nguyễn Hữu Bắc hiến kế: Để việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài đạt hiệu quả cao, cần nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh truyền hình, báo chí có ảnh hưởng mạnh tầm đa quốc gia ở các thị trường du lịch tiềm năng. Trường hợp hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) là một ví dụ. Chỉ gói gọn trong vòng 6 phút, song phóng sự về hang Sơn Đoòng khi được chiếu ở nước ngoài có ý nghĩa và tác dụng vô cùng to lớn đối với việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Đây chính là giải pháp có thể nhanh chóng lấp những “lỗ hổng”, giảm bớt sự “nghèo nàn” của các loại hình thông tin truyền thống; đồng thời đưa thông tin đến với công chúng nhanh nhất, dễ dàng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch cần sức bật quảng bá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO