Đưa sách giáo khoa về thư viện trường: Cân nhắc những bất cập phát sinh

Hàn Minh 10/11/2022 07:09

Nhiều ý kiến cho rằng việc trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là chủ trương tốt nhưng trong quá trình triển khai sẽ có những bất cập phát sinh, phải lường trước được những bất cập phát sinh để không bị động khi triển khai.

Học sinh đọc sách tại thư viện Trường tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thư viện hữu ích

Cô Trần Hồng Hạnh - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết nhà trường rất quan tâm đến hoạt động thư viện khi bố trí đầy đủ từ kho sách, phòng đọc cho giáo viên (GV) và phòng đọc cho học sinh (HS). Hiện thư viện được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại như máy chiếu, màn chiếu và máy tính nối mạng. Vốn tài liệu của thư viện hiện nay là hàng chục nghìn đầu sách ở nhiều thể loại, lĩnh vực như các loại sách tham khảo, sách giáo khoa (SGK), sách nghiệp vụ, báo tạp chí… HS có thể tìm mượn trực tiếp trên giá hoặc truy cập tìm tài liệu trên máy tính nối mạng của thư viện.

Hiện nhà trường cũng có trang bị các bộ SGK để GV và HS mượn tham khảo. Tới đây, nếu nhà trường được trang bị thêm SGK để cho học sinh đăng ký mượn theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cũng sẽ không có khó khăn gì vì mọi quản lý mượn, trả sách hiện nay đều thực hiện trên phần mềm nên số lượng bao nhiêu cũng không phải là vấn đề. Có điều, không phải là sách mượn 1, 2 tuần mà sách dùng trong cả năm học nên khi phát sách cho HS là mới tinh nhưng qua sử dụng 1 năm, 2 có thể hỏng, cũ đi thì cần có thêm những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc tiếp nhận sách trả lại để thuận lợi cho việc quản lý thư viện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quốc Đạt - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nhà trường đặt mục tiêu đưa thư viện trở thành nơi học tập, nghiên cứu, giải trí, là trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học. Hiện nhà trường có hơn 9.000 đầu sách; trong đó có sách tham khảo 4 khối 6,7,8,9; kho truyện hơn 500 cuốn; kỹ năng sống hơn 200 cuốn; nghiệp vụ 500 cuốn, SGK hơn 700 cuốn và các sách đạo đức, tra cứu, pháp luật, tham khảo chung… Ngoài ra, nhà trường còn có hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho học sinh tra cứu sách qua mạng intenet.

Nhà trường thường xuyên trang bị thêm cho tủ sách thư viện bằng nhiều hình thức như kêu gọi phụ huynh, HS cùng ủng hộ… Tới đây, khi triển khai việc mua SGK cấp vào thư viện trong trường học cho HS mượn thì nhà trường với biên chế nhân viên thư viện đầy đủ, có phòng thư viện đủ tiêu chuẩn để đảm bảo vấn đề tiếp nhận và cho mượn sách nên dự kiến sẽ đáp ứng được chính sách này một cách thuận lợi. Trong đó, hàng năm chắc chắn phải có khảo sát về việc HS nào có nhu cầu mượn sách, khả năng đáp ứng của nhà trường đến đâu… do mỗi năm, sĩ số HS mỗi khối có sự chênh lệch.

Tuy nhiên, với những trường chưa có phòng thư viện hoặc chưa có cán bộ thư viện chuyên trách, được đào tạo đúng chuyên ngành mà do các thầy cô giáo hoặc cán bộ, nhân viên trong trường kiêm nhiệm thì sẽ ít nhiều gặp khó khăn.

Không cào bằng trong cấp phát sách giáo khoa

Một trong rất nhiều băn khoăn của các chuyên gia và phụ huynh đó là khi cung cấp SGK cho HS mượn, thì sẽ chọn mua bộ nào? Hiện nay, trừ lớp 1 có 5 bộ SGK còn các khối lớp khác đang có 3 bộ SGK và vẫn còn một số khối lớp đang học theo chương trình GDPT 2006. Nếu chính sách này được triển khai từ năm học 2022-2023 thì những bộ sách nào sẽ được mua và mua với số lượng bao nhiêu cho mỗi trường?

Trước đó, nhiều nhà giáo đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng có gia đình mua tới 2 bộ GSK mới cho con, một bộ để ở trường và một bộ để ở nhà để đỡ phải mang đi mang về. Ngược lại, những HS có hoàn cảnh khó khăn, đến cái bút, quyển vở cũng là nhà trường vận động hỗ trợ các nhà hảo tâm quyên góp thì bộ SGK mới mấy trăm nghìn đồng, các em rất khó có điều kiện để tự mua. Trên thực tế, các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… năm học này và cả những năm học trước đều dành một phần ngân sách cũng như kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp để trang bị SGK cho HS vùng khó.

Việc mua SGK cho HS mượn dù về lâu dài hay trước mắt đều rất đáng quý, sẽ giải quyết được vấn đề thiếu sách của nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thuận lợi khi triển khai trong thực tế vẫn cần có thêm những quy định, hướng dẫn khác, trong đó cần phải chú trọng xem cơ sở vật chất, cán bộ nhân viên thư viện của từng nhà trường có đủ điều kiện để đảm bảo vấn đề tiếp nhận việc và cho mượn sách hay không.

Hiện tất cả 100% trường tiểu học trên toàn quốc đều có thư viện, trong đó có những địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có số lượng thư viện đạt chuẩn lên tới hơn 1.000 thư viện. Bởi theo quy định, yêu cầu tối thiểu cho một trường học đạt chuẩn quốc gia là phải có thư viện đạt chuẩn.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ đã giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án Nhà nước mua SGK và cung cấp cho các thư viện trường học để cho HS mượn. Qua phân tích, đánh giá, Bộ chọn phương án Nhà nước mua SGK cho 70% HS, bởi vì có những HS gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua SGK sử dụng riêng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng dù đây là chủ trương tốt nhưng trong quá trình triển khai sẽ có những bất cập phát sinh, phải lường trước được những phức tạp nảy sinh để không bị động khi triển khai. Trong đó, cần rà soát kỹ về nhu cầu và quy trình thời điểm nào cho các em mượn, thời điểm nào thu hồi. Vì là sách dùng chung, cho mượn từ khóa này sang khóa khác nên đội ngũ giáo viên, nhân viên thư viện… phải hướng dẫn các em học sinh trong quá trình sử dụng làm sao để bảo quản SGK được tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa sách giáo khoa về thư viện trường: Cân nhắc những bất cập phát sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO