Giá các bộ sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều cao hơn các bộ sách cùng cấp học theo chương trình hiện hành. Nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó có việc làm cách nào giảm giá SGK để bớt gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình?
Giá sách mới cao hơn 2, 3 lần sách giáo khoa 2006
Theo Luật Giá, hiện nay, SGK là mặt hàng kê khai giá. Các nhà xuất bản kê khai giá và Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có trách nhiệm phối hợp. Trong đó, giá thành SGK hiện đang được cấu thành bởi các yếu tố: Chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, phát hành, in ấn…
Còn nhớ các bộ SGK lớp 1 mới khi trình làng đã “gây sốc” cho dư luận do có giá thành cao gấp 3-4 lần bộ sách theo chương trình 2006. Cụ thể, các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Sau đó, Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng đã vào cuộc và tích cực kiểm soát. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản, so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm giá từ 3-9%.
Là phụ huynh của 2 con học lớp 3 và lớp 8, anh Mai Văn Thắng (thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vào cuối năm ngoái gia đình nhận được đơn đăng ký mua SGK cho con. Vì đây là khóa học sinh đầu tiên dùng SGK mới nên anh Thắng xác định không thể xin của ai, nên phải tự mua. Nhưng trong danh mục sách nhà trường gửi về bao gồm mấy chục cuốn, anh đọc cũng không hiểu đâu là SGK, đâu là sách bài tập, sách tham khảo và cũng không có dòng nào là chọn mua cuốn sách nào, chỉ có đồng ý mua hay không nên anh đành phải ký đơn đăng ký mua sách. “Hơn 300 nghìn đồng cho chỗ SGK đó tức là phải cắt giảm một khoản chi tiêu khác vì lương công nhân đã cố định rồi. Trong khi đứa lớn học chương trình cũ, đi xin được sách mấy nhà hàng xóm xung quanh, lọc ra một bộ đẹp như mới” - anh Thắng nói.
Chị Mai Anh - Trưởng ban phụ huynh của một lớp 3, Trường tiểu học Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, với nhiều gia đình, gần 400 nghìn đồng/bộ SGK thực sự là một gánh nặng. “Trong lớp tôi, có phụ huynh không đăng ký mua sách mới mà chờ đến khi nhà trường phát sách thì mượn danh mục đó, đặt hàng các hiệu sách mua những cuốn cần thiết nhất với phương châm khi vào học thiếu đâu, sắm tiếp đến đấy” - chị Anh nói và cho biết, với đồng lương công chức của mình cũng rất khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu học tập cần thiết của con.
Giảm giá sách cách nào?
Từ phía đơn vị biên soạn SGK, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) nêu thực tế, nhiều phụ huynh có ý kiến có thể in SGK nhỏ hơn, chỉ sử dụng 1 màu khi in... sẽ giảm được 1 phần giá thành. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng 1 màu khi in sách thì các em học sinh như học sinh lớp 1 khi học đến quốc kỳ của các quốc gia sẽ không thể phân biệt được. Hay học đến các thí nghiệm vật lý, hóa học nếu màu sắc không đầy đủ thì các em cũng khó có thể học được tốt nhất. “Hình ảnh cũng là phương pháp học tập mới, hình thức đổi mới phương pháp giáo dục” - ông Ái khẳng định.
Tại triển lãm SGK do Bộ GDĐT tổ chức gần đây, khi so sánh giá 12 quyển SGK cấp 3 của Việt Nam ở mức 220.000 đồng, bình quân 18.000 đồng/1 quyển. Trong khi SGK của Singapore, Thái Lan, Indonesia... có chất lượng tương đương có giá 100.000 đồng - 150.000 đồng/1 quyển. Sách của Hàn Quốc, Nhật Bản cao hơn, tới gần 300.000 đồng/1 quyển... Hiện SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao, tốt không khác so với sách của các nước tiên tiến nên với học sinh, đây vẫn là một sự đầu tư có ý nghĩa, hữu ích. Vấn đề đặt ra là làm sao để tận dụng sử dụng được số SGK này dài lâu, không phải chỉnh sửa liên tục sau mỗi năm học? Điều này, trước hết nằm ở vấn đề biên soạn và thẩm định SGK làm sao càng làm kỹ, làm chặt chẽ, đúng quy trình thì càng bớt được sạn trong sách.
Thứ hai, nhà trường, phụ huynh, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên nhắc nhở để học sinh có ý thức tự giác gìn giữ SGK để sau mỗi năm học, những bộ sách này lại tiếp tục được sử dụng với các khóa học sinh đàn em. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tới đây đề xuất mua SGK cung cấp cho các nhà trường của Bộ GDĐT được chính thức triển khai. Sẽ có khoảng 70% học sinh trên cả nước được mượn các bộ SGK này và bổ sung thêm theo từng năm, tùy điều kiện. Nếu học sinh không giữ gìn cẩn thận sạch đẹp, mà viết, vẽ làm bẩn sách thì sẽ rất khó để các em khóa sau sử dụng lại trong việc học tập. Về lâu dài vẫn là câu chuyện kiểm soát giá SGK của Nhà nước làm sao vừa đảm bảo quyền lợi của học trò, vừa không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK.
Theo Thứ trưởng GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, nước ta có khoảng 17.5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp SGK. Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo Luật Giá sửa đổi này. Bộ GDĐT sẽ phải tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản. Mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh. Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng vẫn tạo điều kiện các nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng.