Đừng để người tài dứt áo ra đi

Khánh Ly (thực hiện) 25/01/2021 16:06

Cho ý kiến về bản dự thảo về Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Nội vụ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần nhiều giải pháp để thu hút và giữ chân người tài. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc không thay đổi thì khó tránh chuyện người tài có thể dứt áo ra đi.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV: Ông đánh giá thế nào về bản dự thảo Chiến lược về nhân tài của Bộ Nội vụ đang được đưa ra lấy ý kiến?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Không phải đến thời điểm này Bộ Nội vụ mới xây dựng đề án liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài. Những năm trước Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án sau đó Bộ Chính trị đã kết luận về việc phát hiện thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành cũng đã xây dựng đề án trọng dụng nhân tài và đã bước đầu thực hiện. Nhưng bên cạnh cái được vẫn còn có nhiều cái chưa đạt yêu cầu. Thực tế là chúng ta đưa ra nhiều chính sách nhưng các nhân tài ở lại nơi thu hút nhân tài ấy là rất ít. Như Đà Nẵng sau khi hút người tài về đã có mấy chục người bỏ đi. Tương tự, ở Quảng Nam, kể cả cán bộ tỉnh đi học rồi không trở về mà chấp nhận trả lại tiền đào tạo. Ngay tại Hà Nội cũng có nhiều chính sách, năm nào cũng tôn vinh các thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học trên địa bàn ở Văn Miếu nhưng người tài ở lại khu vực công trên địa bàn thành phố chỉ chưa tới 10%.

Dự thảo chiến lược của Bộ Nội vụ lần này cũng đưa ra các giải pháp, mục tiêu, bước đi, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ đến cơ chế, kinh phí…nhưng theo mình quan trọng nhất là môi trường làm việc cho nhân tài. Có môi trường làm việc thân thiện để họ thực sự phát huy, họ yên tâm ở lại, nếu không họ chỉ về một thời gian rồi cũng ra đi.

Nhưng vấn đề môi trường làm việc cũng đã được đề cập trong dự thảo chiến lược thưa ông?

- Trong phần giải pháp, Bộ Nội vụ cũng nêu vấn đề môi trường, nhưng cái chính là phải quán triệt các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện bản chiến lược này. Phải rút kinh các đợt trước làm, nếu không sẽ không đạt được mục tiêu, hiệu quả. Thực tế thì, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài là rất cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là giữ được chân họ. Do đó cách làm phải khác so với trước.

Ý của ông cách làm khác trước chính là cần chiến lược tầm cỡ quốc gia mới hút được người tài?

- Chúng ta cần một đề án để có đủ cơ chế chính sách thu hút, sử dụng người tài nhưng như thế là chưa đủ. Thực tế chúng ta đã từng thực hiện chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người tài rồi nhưng tại sao họ vẫn không ở lại khu vực công? Cái phải rút kinh nghiệm ở đây chính là phải tìm ra cái được, chưa được, đặc biệt cái chưa được của thu hút ấy. Ví dụ cái chưa được chính là chúng ta đã có những chính sách khá ưu đãi để hút nhân tài nhưng họ có ở lại đâu. Quảng Nam nhiều người chấp nhận trả lại tiền đào tạo. Thu hút thì họ đến nhưng không giữ được chân họ, đó mới là vấn đề chính.

Phải tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan của cơ quan thu hút, trọng dụng, sử dụng nó như thế nào. Người ta đã chấp nhận về nghĩa là người ta đã có tư tưởng để phục vụ đất nước, phục vụ các cơ quan, nhưng người ta vẫn ra đi, tại sao? Tất nhiên cũng có chỗ nọ chỗ kia lợi dụng chủ trương, dự án, nguồn ngân sách của Nhà nước, địa phương để đi học sau đó lại không chấp nhận về. Đấy chỉ là số ít, nhưng người ta về rồi thì tại sao họ vẫn ra đi. Tôi được biết thông tin, tại TP HCM có các em học ngành này nhưng về làm việc lại bố trí ngành khác không phù hợp với ngành đào tạo.

Tóm lại phải xem lại tất cả các chính sách xem nó mắc ở đâu, cần rút kinh nghiệm tìm nguyên nhân cốt lõi để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chính sách ấy trong thực tiễn, chứ nếu có chiến lược nhưng không có bước đi, cách làm phù hợp thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Vậy cần làm gì để thu hút người tài cho khu vực công, thưa ông?

- Làm gì để thu hút nhân tài là vấn đề được đặt ra ở nước ta từ lâu, nhưng đến nay vẫn là bài toán khó. Cái khó đầu tiên là vấn đề tiền lương. Tiền lương quá thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng trở thành rào cản trong thu hút, trọng dụng nhân tài.

Vừa qua, dư luận không khỏi băn khoăn khi nhà khoa học trẻ Hồ Thị Thương (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - một trong những đại biểu dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam 2020 với nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, chia sẻ tại buổi giao lưu trong khuôn khổ đại hội rằng, mức lương hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mức lương này thậm chí không đủ để chi tiêu cá nhân chứ chưa nói đến chi phí cho việc học tập nâng cao trình độ, giúp đỡ mẹ cha. Hồ Thị Thương cũng như nhiều nhà khoa học khác đang làm việc vì niềm đam mê khoa học. Đó là điều rất đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, liệu rằng đến một lúc nào đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền có “chiến thắng” niềm đam mê nghiên cứu khoa học? Như vậy, rõ ràng về mặt quản lý thì để thu hút, giữ chân nhân tài, không thể không có cơ chế đãi ngộ hợp lý.

Thế nhưng, lương cao, đãi ngộ tốt chưa phải là yếu tố quyết định trong thu hút, giữ chân nhân tài?

- Thực tế vừa qua có không ít địa phương “trải thảm đỏ” để cầu hiền tài với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, như: Hỗ trợ ban đầu với số tiền lớn, chế độ tiền lương, tiền thưởng cao cùng những ưu đãi về nhà ở, phương tiện... nhưng chỉ được một thời gian là người tài “nói lời chia tay” với lý do môi trường làm việc không phù hợp. Nhân tài thường có cá tính, không chấp nhận thói xu nịnh, làm việc theo kiểu bình quân chủ nghĩa, tiến thân bằng các mối quan hệ... mà đòi hỏi môi trường làm việc dân chủ, công bằng, minh bạch, sáng tạo để có thể phát huy tối đa khả năng... Môi trường làm việc đây mới là là yếu tố mang tính quyết định để thu hút, giữ chân người tài.

Cá nhân tôi cho rằng, thu hút và trọng dụng nhân tài là hai trong một, nếu chỉ thu hút mà không trọng dụng thì không giữ chân được nhân tài, cũng như nếu không trọng dụng thì không thể thu hút được nhân tài. Để thu hút và trọng dụng nhân tài, không chỉ quan tâm đến vấn đề đãi ngộ mà cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ sử dụng, bồi dưỡng, đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi, có văn hóa tổ chức, và quan trọng là người đứng đầu phải biết sử dụng nhân tài đúng với năng lực, sở trường của họ và biết phát huy tính chủ động, sáng tạo của họ, tạo một môi trường thuận lợi để họ có thể cống hiến cao nhất cho tổ chức, và cho đất nước. Việc nhận thức đúng và có những quyết sách đúng đắn, phù hợp về thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, bộ máy nhà nước và các lĩnh vực sự nghiệp, dịch vụ công ở nước ta đạt được những thành tựu to lớn, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đổi mới và mở cửa hội nhập của nước ta hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để người tài dứt áo ra đi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO