Đường đến thành công của người Việt xa xứ

Nguyên Hương 13/08/2017 08:00

Có nhiều con đường để dẫn đến thành công nhưng với người Việt học hành là con đường ngắn nhất. Có lẽ vì vậy, những du học sinh và các thế hệ người Việt ở nước ngoài đều học rất giỏi, “trở thành hiện tượng kỳ lạ” trên đất bạn.

Vũ Kim Hoàn - một trong những bạn trẻ người Việt đạt thành tích cao trong học tập tại Đức.

“Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt ở Đức”

Cách mấy năm trước, cái tên Vũ Kim Hoàn, 23 tuổi, xuất hiện trên khắp các trang báo Đức khiến chủ đề “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt ở Đức” lại sôi sục. Sở dĩ Kim Hoàn trở thành hiện tượng lạ là bởi thành tích học tập đáng nể của em.

Luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, ngay từ lớp 3, Hoàn được bầu làm lớp trưởng. Kết thúc 4 năm học cấp học cơ sở, tổng kết tất cả các môn học đều đạt điểm giỏi. Trúng tuyển trường chuyên phân ban ngoại ngữ, tới lớp 6, Hoàn tham gia cuộc thi Olympic ngoại ngữ toàn liên bang đoạt giải nhì đồng đội.

Sang lớp 7, Hoàn học thêm tiếng Ý, rồi từ lớp 8 học tiếp tiếng Tây Ban Nha. Từ lớp 9, Hoàn được bầu làm khoá trưởng toàn trường và uỷ viên hội đồng các lớp trưởng, tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ học sinh lớp dưới, các buổi hội thảo cho lớp trưởng. Sang lớp 10, Hoàn thi viết tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và tiếng Anh, giành vị trí số 1 trong tổng số 120 thí sinh.

Điều đáng nói là, xuất phát điểm của Hoàn rất thấp. Năm em tròn 4 tuổi mới cùng mẹ và chị gái sang định cư với bố ở Đức. Không biết bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Việt, thế nhưng chỉ một thời gian sau đó Hoàn đã hòa nhập và có những thành tích học tập tốt như vậy.

Trần Vân Anh, 20 tuổi, kiều bào ở Đức cũng vậy. Lúc là học sinh tiểu học, cô hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở đã không nén được xúc động khi trao chứng chỉ cho Vân Anh: “Em là niềm tự hào của toàn trường. Nhà trường cảm ơn em rất nhiều...”.

Điểm tổng cả 6 năm, tới 12 môn, đều đạt điểm giỏi sát tuyệt đối. Vân Anh từng đứng thứ 12 tiểu bang, đứng thứ 57 toàn nước Đức tại cuộc thi Olympia tiếng Anh The Big Challenge 2009 toàn châu Âu.Tại cuộc thi Đọc sách tiếng Đức, lớn nhất toàn nước Đức, tổ chức định kỳ hàng năm, thu hút 700.000 học sinh tham gia mỗi năm, do hiệp hội sách tổ chức và Tổng thống Đức bảo trợ, Vân Anh giành giải Nhì toàn khu vực.

Hiện tượng Cathy Đào sống ở thành phố Siquim, tiểu bang Washington, Mỹ cũng khiến nhiều người khâm phục. Chuyển sang định cư tại Mỹ sau khi học hết lớp 10, Cathy Đào nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Cô nữ sinh của một trường Song ngữ Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đã vượt qua hàng nghìn học sinh bản xứ khác để trở thành người tốt nghiệp với thành tích cao nhất toàn trường.

Thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Trung khi còn học cấp 2, Cathy Đào bật mí, em học ngoại ngữ thông qua việc đọc sách báo và nghe nhạc nước ngoài để trau dồi vốn từ vựng, cách diễn đạt câu từ và ghi chép những từ mới ra bộ thẻ ảo trong điện thoại để tiện ôn tập khi rảnh rỗi.

Sử dụng tốt tiếng Anh, nên Cathy Đào không gặp khó khăn khi đến sinh sống tại Mỹ, thậm chí trong lễ tốt nghiệp, em còn được nhà trường trao tặng danh hiệu là học sinh xuất sắc của năm về nghệ thuật ngôn ngữ tiếng Anh. Đó là một phần thưởng vô cùng vinh dự vì nó không rơi vào dân bản xứ nói tiếng Anh mà lại được trao về một cô bé Việt Nam mới đến Mỹ chưa được bao lâu.

Vì sao người Việt học giỏi

Lý giải vì sao học sinh người Việt thường đứng đầu trong các lớp học là bởi với mỗi gia đình người Việt, việc học hành của con là ưu tiên hàng đầu. Kim Hoàn cho biết, bố mẹ em đầu tắt mặt tối với công việc kinh doanh, số tiền họ kiếm được chỉ để tạo điều kiện cho con cái học hành. Đối với các em, học là việc duy nhất. Cha mẹ đã hy sinh để con cái học hành chỉ với một đòi hỏi duy nhất: “con phải hơn hẳn bố mẹ”.

Với bố mẹ Vân Anh cũng vậy. Gia đình họ cũng sang Đức lao động hợp tác từ năm 1988, mở cửa hàng kinh doanh quần áo tại tiểu bang Brandenburg hàng chục năm qua. Họ làm việc quần quật suốt này, vừa hiếm thời gian, vừa không đủ kiến thức tiếng Đức kèm cặp con. Nhưng với mong mỏi tột cùng của cả gia đình, “con phải hơn hẳn bố mẹ”, như một “khế ước” ngầm thúc đẩy Vân Anh trở thành niềm tự hào của nhà trường ở Đức.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, có nhiều lý do khiến học sinh người Việt luôn đạt thành tích cao trong học tập, trong đó yếu tố gia đình rất quan trọng. Tuy nhiên, chính nỗ lực của học sinh mới làm nên những thành tích đặc biệt. Thông thường, học sinh Việt Nam tập trung vào học và làm bài tập rất nghiêm túc. Các em hiếm khi đến trường muộn hay nghỉ học, và việc bỏ học xem chừng không phải là một điều dễ chấp nhận.

Ngoài giờ lên lớp, học sinh Việt Nam học nhiều hơn học sinh các nước khác khoảng 3 giờ một tuần. Không mấy khi các em lo lắng về môn toán và khá tự tin về khả năng ứng dụng môn học này trong tương lai. Ngoài ra, các bậc phụ huynh tại Việt Nam rất sát sao với việc học của con em mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là Việt Nam đầu tư vào giáo dục nhiều hơn các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là khi so với các quốc gia có GDP thấp. Dù gặp phải những khó khăn về mặt kinh tế nhưng giáo dục vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Đối với mỗi gia đình người Việt thì đầu tư cho giáo dục đúng nghĩa là đầu tư cho phát triển. Cha mẹ có thể khó khăn nhưng chuyện học hành của con trẻ không thể lơ là. Không có phần thưởng lớn lao nào đối với các ông bố, bà mẹ bằng thành tích học tập của con cái.

Học là để đổi thay số phận. Đó là lý do khiến trẻ em người Việt luôn đạt được những điểm số cao trong học tập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường đến thành công của người Việt xa xứ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO