F0 có nên tắm?

An Thái 28/02/2022 10:11

F0 từ khi phát hiện dương tính, nhanh cũng phải vài ba ngày, lâu phải cả tuần lễ người mới bớt mệt mỏi do tùy cơ địa. Dẫu thế có nhiều lời khuyên trong suốt thời gian nhiễm và chờ khỏi bệnh, F0 phải kiêng tắm, bởi bệnh đang nhẹ mà tắm sẽ trở nặng… Vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Người bệnh Covid-19 có thể tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút.

Theo quan niệm của y học cổ truyền nếu khi bị ốm hoặc cảm xông hơi là cần thiết nhưng tắm thì lại phải kiêng. Quan niệm tắm khi bị ốm trong y học cổ truyền lại trái ngược với xông hơi. Điều này được luận giải như sau: Khi tắm nước nóng làm giãn lỗ chân lông từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều trường hợp tắm gây cảm hàn, tử vong. Từ đó sinh ra quan niệm “người ốm phải kiêng nước” còn tồn tại dai dẳng tới nay. Điều đó cũng có cơ sở khoa học là trước đây chưa có điều kiện phòng vệ sinh sạch sẽ kín gió như bây giờ, nên người ốm mà tắm là rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong. Vì thế khi đang mắc bệnh không nên tắm nước quá lạnh để “rèn luyện cơ thể”, hoặc tắm quá nóng để “diệt mầm bệnh”. Rất nguy hiểm.

Trong khi đó, y học hiện đại không kiêng tắm. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trước mổ cần được tắm và sát trùng toàn thân sẽ giảm nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức nếu được lau rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo, thay ga giường thường xuyên sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện... Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu. Để tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30-35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5-10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

Theo BS Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh. Thực tế, có những “lời đồn” bệnh Covid-19 nặng lên sau một lần tắm gội là không có cơ sở. Miền Bắc đang trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, BS Tiến khuyến cáo các F0 điều trị tại nhà hãy đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ ấm cơ thể.

Dù truyền tai nhau kiêng tắm gội, nhưng nhiều người lại xông lá quá đà để ra nhiều mồ hôi, hạ sốt, thông mũi... Trong Đông y, xông là biện pháp giúp một số người bị viêm đường hô hấp do virus giảm cảm giác khó chịu, đỡ mệt mỏi. Các bác sĩ nói không cần thiết lạm dụng thái quá việc xông lá, không xông toàn thân, xông quá lâu. Nếu lạm dụng, thực hiện xông không đúng cách sẽ gây mất nước nhiều làm cơ thể mệt mỏi hơn. Xông nhiều, xông quá lâu cũng tổn thương niêm mạc hô hấp, sẽ là yếu tố thuận lợi bội nhiễm vi khuẩn giai đoạn sau.

Các chuyên gia, bác sĩ cho rằng, thông tin F0 phải kiêng tắm là không có cơ sở. Giữ vệ sinh cơ thể, phòng ở sạch sẽ chính là cách để bệnh nhanh khỏi. BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh - BV Nhi đồng 1 (TPHCM) khẳng định: “F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm”.

Theo BS Khanh, thời tiết miền Bắc đang lạnh, người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Sau đó, chúng ta mặc đồ luôn trong phòng tắm, không để tình trạng ra khỏi phòng mới mặc đồ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột”. BS Khanh khuyến cáo thêm, sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Nếu mình không tắm, cơ thể mất vệ sinh, ngứa ngáy gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ khiến bệnh nặng thêm. Do đó, người bệnh nên tắm bằng nước ấm. Thời gian tắm gội không nên quá lâu, người bệnh nên tắm vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm, tránh tắm lúc đang sốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    F0 có nên tắm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO