Gameshow hài, dễ dãi 'mua vui'

Minh Anh 10/09/2017 08:00

Thời gian qua, các gameshow hài nở rộ, “chiếm sóng” các kênh truyền hình. Bên cạnh đáp ứng thị hiếu và mang lại tiếng cười cho khán giả, nhiều chương trình, hài không thấy đâu, chỉ thấy những tiếng cười gượng, khai thác những chi tiết dễ dãi, nhạy cảm.


Gameshow hài ngày một nở rộ.

Có lẽ, khởi nguồn từ chương trình “Gặp nhau cuối tuần” rồi sau này là “Chém chuối cuối tuần” nổi danh trên sóng truyền hình một thời, khiến biết bao khán giả chờ đợi háo hức đến cuối tuần để ngồi trước máy thu hình. Tiếp sau đó, một cuộc thi tìm kiếm tài năng hài mà xung quanh nó có nhiều chuyện lùm xùm khiến người trong cuộc phải “ngậm cười” khi mà đêm chung kết bị ngừng phát sóng để lại cho khán giả sự hẫng hụt đầy khó hiểu. Đến bây giờ, khi các kênh sóng truyền hình bung nở thì bật kênh nào cũng có thể bắt gặp các gameshow hài.

Theo thống kế của một công ty chuyên về cung cấp các giải pháp quảng cáo trên truyền hình thì từ năm 2016, có 30 chương trình hài hước với đủ các thể loại từ ca nhạc, diễn xuất đến vận động, thử thách phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương.

Các gameshow đều ở dạng truyền hình thực tế, tuy vẫn có kịch bản nhưng dựa trên sự ngẫu hứng và tính tương tác cao nên gần gũi với khán giả hơn. Những tên tuổi làng hài cũng vì thế mà dần trở nên thân quen với khán giả như Đại Nghĩa, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương và các ngôi sao mới như Mạc Văn Khoa, Vinh “Râu”, Duy Khương… Vì biết rõ tâm lý khán giả hiện đang “chuộng” hài, nên hầu hết các gameshow hài đều phát vào khung “giờ vàng”.

Sự bùng nổ đến mức dễ dãi, thậm chí thiếu sự kiểm soát chặt chẽ gameshow hài đang cho thấy những người làm nghề đã dễ dãi để cho lên sóng những chương trình hài ngày càng theo hướng sàm, nhảm, dễ dãi và chọc cười đầy gượng ép. Có thể nhận thấy những motip quen thuộc cứ lặp đi lặp lại đến phát chán như giả gái, hát nhạc chế, dùng sự đỏng đảnh õng ẹo của những người đồng tính hay nhà quê ra tỉnh… để lấy làm tình huống gây cười. Khi những điều đó không đủ “ép phê” thì diễn viên phải vận dụng đủ mọi động tác bộ điệu của cơ thể để hỗ trợ.

Sợ nhất là những màn õng ẹo uốn éo hình thể đầy tính gợi dục, thô thiển cứ hồn nhiên “ném” vào mặt khán giả trong khi hầu hết các gia đình với đủ mọi thành phần lứa tuổi đều chăm chú vào xem, coi như “tài sản chung” mà không phân biệt lứa tuổi cho mỗi chương trình. Bên cạnh đó, lối nói, chửi mắng đầy dễ dãi, chợ búa cũng “phủ sóng” các chương trình và thậm chí đã trở thành những câu cửa miệng để trẻ con nhại theo hàng ngày, rất nguy hiểm.

Dù là giải trí nhưng mỗi tiểu phẩm đều có thể trở thành “kinh điển” và ăn sâu bám rễ vào đời sống, “chắt lọc” những câu nói, tên gọi nhân vật nổi bật và bước ngược từ sân khấu ra ngoài đời mà đa phần đều là những điển hình “khó đỡ”. Vì thế, không ít khán giả đã phải bực mình tắt TV hoặc chuyển qua kênh khác bởi lo sợ con em mình sẽ học theo lối nói, lối hành xử như các nhân vật trong tiểu phẩm hài. Như thế, xả stress chưa thấy đâu mà chính những chương trình hài này còn mang đến nỗi lo, sự khó chịu cho khán giả của mình.

Người làm nghề diễn mà nổi tiếng thường nói khiêm tốn rằng được “tổ đãi”, được tổ nghiệp cho ăn lộc. Tất nhiên, để diễn được thì trước hết người đứng trên sân khấu phải có chút tài năng. Riêng với diễn viên hài thì còn cần phải có cái duyên, có cá tính, có “chất” riêng để mình không bị lẫn phong cách với ai. Lộc không phải dễ dàng mà có được. Nếu không chăm chỉ luyện tập, học hỏi, rút kinh nghiệm để phát triển cái duyên đó mà chỉ biết ăn sẵn thì chả mấy chốc duyên “bong” đi mất. Diễn viên hài Anh Vũ từng chia sẻ: “Số lượng gameshow hài tăng cao thì cũng có nhiều gương mặt trẻ trở nên nổi tiếng.

Ví dụ như Lệ Rơi (trong Thử thách danh hài) hay “ngôi sao vi diệu” Lê Thị Dần (trong Đấu trường tiếu lâm) và nhiều ngôi sao trẻ cũng dần rơi vào cảnh sớm nở, tối tàn bởi họ đâu có “bột” thì làm sao “gột nên hồ”. Dù là có cái duyên diễn hài làm khán giả cười nhưng nếu nghệ sĩ không chịu học tập bài bản, không chịu luyện tập kỹ càng thì cái duyên ấy cũng dần phai nhạt, vậy mới nói đường dài mới biết ngựa hay”.

Các chương trình tìm kiếm tài năng hài là cần thiết nhưng do ít được đào tạo bài bản, các thí sinh đều diễn theo bản năng nên tìm mọi cách để gây hài bất chấp có ra “chất” gì hay không. Điều đó một phần gây nên những tình huống hài “khó đỡ” và làng hài trở nên chộn rộn. Được một thời gian thì những “sao” mới này “rụng” lả tả.

Trong khi đó, không ít bậc đàn anh, đàn chị cũng “chạy show” nhiều đến mức “nhẵn mặt” khắp các show hài khiến khán giả cũng thấy nhàm chán.

Một số ít ý kiến cho rằng làng hài ở một góc độ nào đó đang “bát nháo”. Và người ta cũng kỳ vọng, các chương trình hài cần được kiểm soát kỹ hơn để tránh xảy ra để lọt sóng những màn hải nhảm, hài “thảm họa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gameshow hài, dễ dãi 'mua vui'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO