Gắn kết di sản với phát triển du lịch Thủ đô

Minh Quân 13/12/2019 08:00

Sở hữu hàng nghìn di tích từ di sản thế giới đến cấp thành phố, Hà Nội đang có nhiều lợi thế trong việc gắn kết di sản với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Hà Nội hiện vẫn còn thấp hơn so với một số thành phố trong khu vực.

Gắn kết di sản với phát triển du lịch Thủ đô

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa vẫn chưa khai thác hiệu quả những tài nguyên đang sở hữu. Ảnh: Quang Vinh.

Bỏ phí những tiềm năng

Trong sự phát triển của du lịch của mỗi quốc gia, các di tích nằm trong hệ thống lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đang trở thành các “điểm chốt” để xây dựng các tuyến điểm du lịch văn hóa. Đưa du khách tới thăm các di tích lịch sử - văn hóa là dịp tạo điều kiện cho họ được tiếp xúc với các sự kiện, nhân vật lịch sử được lưu giữ, tôn thờ tại các điểm di tích. Không những vậy, bằng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các điểm di tích, du khách được thỏa mãn các nhu cầu tâm linh chính đáng của mình.

Thế nhưng, với những lợi thế đang sở hữu việc phát huy các giá trị di sản thông qua con đường du lịch hay việc khai thác các giá trị di sản để phát triển du lịch tại Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mấu chốt là sự liên kết giữa hai bên chưa bền chặt. Tại các điểm di sản còn tồn tại nhiều hạn chế để có thể phát triển du lịch tốt hơn.

Đơn cử, Hoàng thành Thăng Long mặc dù đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới nhưng lượng khách đến đây còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của một khu di sản. Hay như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa mặc dù đã được tu bổ, chỉnh trang khang trang nhưng lượng du khách đến tham quan là khá khiêm tốn. Hầu như các hãng lữ hành, công ty du lịch vẫn chưa hướng tới địa điểm này để khác thác trong các chương trình tour nội địa của mình.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình- Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hà Nội có hàng trăm kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hà Nội là nơi đặt bảo tàng tiêu biểu nhất của quốc gia, đặc biệt Hà Nội còn có không ít các di sản phi vật thể đặc sắc như hội Gióng, hội Chèm, hội làng Yên Sở, hội Hai Bà Trưng... Thế nhưng khi nói đến những hoạt động giải trí tại Hà Nội, những người làm du lịch hay nói một cách đầy hình ảnh rằng “Ăn tối, rối nước” rồi về ngủ, hôm sau di chuyển tới điểm du lịch khác.Việc khai thác tài nguyên ở thủ đô Hà hội phải chăng chưa xứng tầm!

Cần thay đổi đồng bộ

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù đang là địa phương có những bước tăng trưởng du lịch hàng đầu cả nước, nhất là mới đây Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO vẫn cần một sự thay đổi đồng bộ. Việc khai thác những giá trị từ hệ thống di tích và danh thắng để thu lời từ hoạt động kinh doanh lữ hành đang là một lợi thế đang hiện hữu. Tuy nhiên PGS.TS Dương Văn Sáu- Trưởng Khoa Du lịch (Trường ĐH Văn hóa) thì ở góc độ nào đó có thể tạm gọi người làm du lịch là “tay không bắt giặc, mài lịch sử để viết ra tiền…”. Quá trình khai thác này vẫn cần bảo tồn được các giá trị văn hóa phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, để tạo được sự gắn kết này những người làm công tác văn hóa và du lịch phải luôn có nhận thức đúng đắn quan điểm phát triển để bảo tồn, khai thác để bảo tồn chứ không chỉ nhìn nhận vấn đề theo cách xưa nay là bảo tồn để phát triển.

Không những vậy, việc gắn kết di sản, lễ hội với du lịch cũng đang là xu thế của nhiều quốc gia. Theo Ths Ma Thị Quỳnh Hương (Khoa Du lịch - Trường ĐH Văn hóa), để biến lễ hội truyền thống tại các di sản tại Thủ đô trở thành lễ hội du lịch có quy mô lớn, trước hết phải tôn trọng giá trị văn hóa thực chất, tính nguyên gốc của lễ hội. Các cơ quan chức năng cần ủy nhiệm, điều phối và phân công các nhà nghiên cứu có tri thức về văn hóa lễ hội, những nhà chuyên môn làm việc với ban tổ chức, giúp khẳng định đâu là giá trị cốt lõi của lễ hội, ai sẽ là người thực hành các giá trị đó và thực hành như thế nào để lễ hội gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa vốn có.

Cũng theo bà Hương, để thu hút đông đảo khách du lịch và khách thập phương, lễ hội phải có tính độc đáo. Nếu không tạo được những trò diễn, diễn xướng có tính độc đáo, có một không hai thì sẽ bị hòa lẫn vào hàng nghìn lễ hội khác trên cả nước.

Có thể thấy, với việc gắn kết du lịch với di sản Hà Nội đang cần sự đột phá, từ đó có chính sách thu hút phát triển, nguồn nhân lực... Đặc biệt, các sản phẩm du lịch Hà Nội gắn với các di sản phải mang đặc trưng riêng, phù hợp với các đối tượng như khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết di sản với phát triển du lịch Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO