Gay gắt cuộc đua thị phần bán lẻ

Minh Phương 18/08/2020 09:00

Trong vòng khoảng 6 năm (từ năm 2014 đến nay), Aeon của Nhật Bản đã mở được 6 siêu thị lớn tại Việt Nam. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp song đại gia bán lẻ lớn này vẫn tiếp tục có kế hoạch triển khai thêm hai đại siêu thị nữa, trong đó một đặt ở Hải Phòng và một ở Hà Nội. Đại diện Aeon cho biết, thị trường bán lẻ của Việt Nam rất giàu tiềm năng và sẽ còn tiếp tục mở rộng quy mô, đồng thời sẵn sàng làm bệ đỡ cho hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới…

Tương tự, những cái tên đã trở thành thương hiệu trong ngành bán lẻ ngày càng mở rộng quy mô tại thị trường trong nước, trong đó phải nhắc đến “đại gia” Lotte hay Central Group… Tất cả những “ông lớn” này đều đang nhìn thấy tiềm năng dồi dào đầy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Sự thâm nhập của những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ vào thị trường trong nước cho thấy Việt Nam thực sự là thị trường có sức hút mạnh mẽ, song cũng đặt ra cho ngành bán lẻ trong nước một bài toán khó, bài toán về sức cạnh tranh.

Nhận định về câu chuyện này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nêu quan điểm: “Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) phân phối, sản xuất trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các DN phân phối, sản xuất lớn đến từ các nước có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào, do đó có thể dẫn đến khả năng các DN phân phối, sản xuất trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các DN nước ngoài.

Theo bà Nga, EVFTA mở ra nhiều cơ hội lớn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, song đối với ngành bán lẻ, đặt ra khá nhiều thách thức. Phân tích rõ hơn, bà Nga cho hay, với tiềm năng phát triển dồi dào, thị trường bán lẻ Việt Nam đã đón làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách mạnh mẽ, khiến cho cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Đáng chú ý, khi Hiệp định EVFTA được thực thi, với những cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối…các doanh nghiệp EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam. “EVFTA sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước. Vì vậy, có thể thấy rằng ngành bán lẻ hiện đại được dự báo là sẽ có những sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia trong ngành, để có thể cạnh tranh với DN bán lẻ ngoại, để có thể trụ vững ngay tại sân nhà, các DN cần tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị. Lâu nay, chính cách làm ăn rời rạc, nhỏ lẻ của các DN Việt khiến cho chúng ta luôn gặp khó khăn khi có những biến động lớn.

Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường quản trị chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gay gắt cuộc đua thị phần bán lẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO