Già hóa không phải là gánh nặng

Khanh Lê 01/11/2017 08:45

Đó là khẳng định của ông Kitahara Shigemi- Chủ tịch Tập đoàn Tổ chức phát triển tương lai y tế (KN1) tại buổi diễn thuyết và giao lưu Nhật - Việt chiều ngày 30/10 tại Hà Nội. Thông qua bài diễn thuyết đã có rất nhiều kinh nghiệm dành cho Việt Nam để đối phó với già hóa dân số trong tương lai.

Ông Kitahara Shigemi chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi bách niên Thiên Đức.

An sinh xã hội trước “cơn lốc” già hóa dân số

Trả lời câu hỏi: Nhật Bản sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2030?, ông Kitahara Shigemi cho biết vào cuối thời kỳ Edo dân số Nhật Bản mới có 30 triệu người, năm 2010 đã tăng lên 130 triệu người và đến năm 2030 dự đoán 114 triệu người.

Dự báo năm 2030 tỷ lệ già hóa dân số sẽ chiếm 1/3 ở thành thị thì có tới trên 40% trên tổng số hộ gia đình là người cao tuổi (NCT) sống một mình.

Không riêng gì Nhật Bản, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu NCT, chiếm 11% dân số.

Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.

Tại buổi diễn thuyết, ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, già hóa dân số đang là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có việc gia tăng các bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái khớp… và phải điều trị suốt đời.

Người cao tuổi tăng nhanh, nhưng hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho nhóm người này ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là thiếu bệnh viện chuyên khoa lão, khoa lão ở các bệnh viện và hệ thống nhà dưỡng lão; thiếu bác sĩ và điều dưỡng lão khoa, thiếu kiến thức về lão khoa và thiếu người chăm sóc (hiện chủ yếu vẫn dựa vào người nhà).

Mặc dù môi trường chính sách ngày càng được quan tâm, nhưng việc thực thi các chính sách còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực kinh tế cũng như con người.

Xây dựng hệ thống y tế đạt chuẩn

Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, ông Kitahara Shigemi cho rằng cần phải xây dựng một hệ thống y tế để chăm sóc tốt hơn, toàn diện hơn về sức khỏe cho người cao tuổi.

Hiện nay ở Nhật, Tập đoàn KN1 đang xây dựng hệ thống hỗ trợ tổng thể cuộc sống bệnh viện mà ở đó người cao tuổi sẽ nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào khi đã đăng ký là thành viên.

“Hệ thống hỗ trợ tổng thể cuộc sống bệnh viện là một hệ thống bao gồm dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ cuộc sống một cách tổng thể dưới dạng đăng ký thành viên.Với mô hình này, với người cao tuổi sống độc thân trong trường hợp khẩn cấp cũng được hưởng dịch vụ y tế phù hợp, nhanh chóng. Với cơ quan hành chính sẽ giảm lượng công việc đáng kể cho nhân viên”- ông Kitahara Shigemi nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, ông Kitahara Shigemi cho rằng, mô hình trên có thể không hợp nhưng có một thực tế là chỉ một thời gian ngắn nữa Việt Nam cũng sẽ giống Nhật Bản bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Chính vì vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng già hóa dân số cần phải được nhìn nhận và có những giải pháp phù hợp. Trong đó vấn đề xây dựng hệ thống y tế phù hợp là một yêu cầu tất yếu.

Thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão…chủ yếu còn mang tính trợ cấp, trong khi lại thiếu các chính sách để hỗ trợ phát triển các cơ sở tư nhân tiếp nhận, nuôi dưỡng người cao tuổi.

Thống kê cả nước có khoảng 400 cơ sở bảo trợ công lập, nhưng mới chỉ tiếp nhận khoảng 40 nghìn người cao tuổi. Con số này còn quá ít so với nhu cầu của xã hội, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình dịch vụ này.

Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi bách niên Thiên Đức được thành lập vào tháng 4/2011 không chỉ là nơi an dưỡng tuổi già, còn là nơi chứng kiến những cuộc hội ngộ bất ngờ.

NSND Trần Phương là một trong những nhân chứng của một cuộc gặp như thế. Tại Trung tâm, ông đã gặp được người phụ nữ có tên là Tuệ Minh.

Hai người đã mất liên lạc với nhau từ lâu tưởng không còn được gặp nhau…Hiện nay dù Trung tâm đã trở thành điểm lựa chọn của nhiều NCT, và được nhiều đánh giá tốt từ các tập đoàn y tế của Nhật Bản, song ông Nguyễn Tuấn Ngọc giám đốc Trung tâm cho biết, dù đã có chủ trương xã hội hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT, song đến nay ông vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn, cũng như ưu đãi về đất đai.

Chính vì vậy giấc mơ xây dựng một trung tâm dưỡng lão bình dân cho tất cả mọi người cao tuổi vẫn chưa thành hiện thực.

Tổ chức Phát triển tương lai y tế được thành lập vào tháng 9/2015 do ông Kitahara Shigemi làm giám đốc. Bên cạnh kinh doanh bệnh viện, ông còn thực hiện các dự án khác là: Dự án Medico Police, các dự án xuất khẩu y tế Nhật Bản ra nước ngoài...

Tháng 6/2017, Tập đoàn BV Kitahara Nhật Bản và Bệnh viện Việt Đức đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cùng Đoàn cấp cao hai nước tại Tokyo.

Theo ký kết, BV Việt Đức và Tập đoàn BV Kitahara sẽ đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh và phục hồi chức năng cho nhân viên y tế của BV Việt Đức, đồng thời có thể cử chuyên gia đến giúp BV Việt Đức tại chỗ trong lĩnh vực chuyên môn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già hóa không phải là gánh nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO