Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công Thương) năm 2020, Cục nhận được hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ người tiêu dùng liên quan đến những quyền lợi mà người tiêu dùng chưa được đảm bảo.
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD), các khiếu nại, kiến nghị của NTD liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nhà chung cư, bất động sản, bảo hiểm, hàng hóa tiêu dùng... Đáng chú ý, các vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD trên các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có xu hướng tăng mạnh. Tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không như hình ảnh quảng cáo trên mạng diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sau gần một thập kỷ thực thi đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của NTD. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa cao, do trong bối cảnh mới, những quy định trong luật không còn phù hợp. Điển hình như các quy định về mô hình TMĐT. Hiện nay xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, chuyển dịch mạnh mẽ phương thức mua hàng từ offline sang online; có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới xuất hiện song chưa có chế tài xử lý.
Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nhận định, thị trường phát triển theo xu hướng hiện đại với các kênh TMĐT, giao dịch online... tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng trong mua sắm, thanh toán... tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng hàng giả hàng nhái xâm lấn sàn TMĐT xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đặt ra những yêu cầu cần phải có chế tài chặt chẽ hơn để quyền lợi NTD được đảm bảo trong bối cảnh hiện nay.
Thừa nhận hành lang pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi NTD cần phải được bổ sung, hoàn thiện, Bộ Công thương cho biết, đang đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi). Theo cơ quan soạn thảo, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số. Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn... cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, cần bổ sung điều khoản về bảo vệ NTD trong TMĐT và trong các mô hình kinh doanh trên cơ sở nền tảng; Bổ sung một điều khoản về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới; Sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở xử lý hình sự đối với một số nhóm hành vi vi phạm quyền lợi NTD.
Bên cạnh đó, Dự luật cũng sửa đổi một số điều khoản để bảo đảm việc cung cấp thông tin cho NTD, đặc biệt trong bối cảnh phát triển TMĐT và sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh trên cơ sở nền tảng. Sửa đổi, bổ sung để làm rõ nguyên tắc: Khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD nhưng chỉ có các tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp theo Luật mới được thực hiện các hoạt động có tính “đặc thù”. Đồng thời, nghiên cứu tạo cơ sở cho một số hoạt động như “quyền tẩy chay”…
Trong quan hệ mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ, NTD thường là bên yếu thế. Khái niệm “hòa giải” chưa thể hiện đúng bản chất một bên là NTD là bên bị thiệt hại, đấu tranh đòi quyền lợi từ tổ chức, cá nhân kinh doanh là bên gây ra thiệt hại. Vì vậy cần có cơ chế để việc giải quyết khiếu nại của NTD, thực tế là bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD hiệu quả hơn…