Gia tăng tỷ lệ nghèo về thu nhập

Lê Bảo 30/07/2022 14:00

Ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đã khiến công tác giảm nghèo đứng trước nhiều thách thức. Dịch Covid-19 không chỉ khiến tỷ lệ nghèo về thu nhập ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng nông thôn tăng mà ngay cả ở đô thị, tỷ lệ nghèo về thu nhập cũng tăng vọt lên so với trước dịch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người tiếp tục lâm vào tình cảnh “tái nghèo”. Ảnh: Quang Vinh.

Thêm gần 7 triệu người nghèo về thu nhập

Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 vừa công bố cho thấy, trong thập kỷ qua, thành tựu về tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tác động của đại dịch đến tỷ lệ nghèo nhất thời về thu nhập trong năm 2021, tuy nhiên, qua nghiên cứu của nhóm tác giả thực hiện báo cáo cho thấy, tỷ lệ nghèo nhất thời về thu nhập đã tăng vọt từ 3,85% vào quý I năm 2020 lên 10,59% trong quý III năm 2021. Tương ứng số lượng người nghèo về thu nhập đã tăng thêm khoảng 6,6 triệu người.

Tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với người di cư và nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng, nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận diện về nguyên nhân, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, đã có nhiều hộ nghèo không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo, đối với người dân nói chung đặc biệt người nghèo trong bối cảnh Covid – 19 có nhiều thách thức, nhất là giảm thu nhập, thiếu việc làm và mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo.

Giải pháp nào để giảm nghèo bền vững?

Để duy trì giảm nghèo đa chiều nhanh chóng đến năm 2030, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể và toàn diện để thúc đẩy việc làm có năng suất, cung cấp dịch vụ xã hội và và mở rộng diện bao phủ cũng như nâng cao chất lượng của hệ thống an sinh xã hội dành cho tất cả mọi người.

Theo TS Nguyễn Thắng - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành viên trong nhóm tác giả soạn thảo Báo cáo Nghèo đa chiều 2021, cách đây 20 năm, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam có thể chống được cơn bão cấp 3-4 thì đến nay, nó đã chống được cơn bão cấp 6-7, tuy nhiên qua ảnh hưởng dịch Covid-19, Việt Nam vẫn cần củng cố hệ thống an sinh xã hội để sẵn sàng cho khả năng xảy ra những cú sốc lớn khác trong tương lai, kể cả khi xác suất ấy thấp.

Cũng theo TS Nguyễn Thắng, để xây dựng được hệ thống an sinh xã hội vững chắc cần thực thi các chính sách toàn diện để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khắt khe hơn và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển kinh tế và không ai bị bỏ lại phía sau. Các biện pháp này có thể được phân thành 3 nhóm dựa trên 3 trụ cột của giảm nghèo đa chiều. Thứ nhất, nền tảng của nền kinh tế cần được củng cố để thúc đẩy việc làm có năng suất, với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập toàn cầu, cải thiện cơ sở hạ tầng thông suốt. Thứ hai, điều quan trọng là phải cung cấp cho mọi người các dịch vụ xã hội chất lượng cao. Thứ ba, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được mở rộng và tăng cường.

Gợi mở những giải pháp để tiến tới giảm nghèo bền vững, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, bà Kanni Wignaraja cho rằng, các nỗ lực đầu tư và chính sách là cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa.

Đồng thời, mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công.

Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Mặc dù kỷ lục về giảm nghèo đa chiều của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng việc duy trì thành tích này trong trung và dài hạn sẽ đòi hỏi các giải pháp toàn diện và đổi mới để thích ứng tốt hơn với bối cảnh thay đổi nhanh chóng trong nước và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng tỷ lệ nghèo về thu nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO