Giảm giá cước vận tải: Chờ sự tự giác - còn lâu

Hồ Hương (thực hiện) 25/02/2016 10:22

“Câu chuyện doanh nghiệp Việt tốn nhiều chi phí mềm trong quá trình vận hành là có thật, nhưng khi doanh nghiệp vận tải vin vào cớ này để chây ỳ không giảm giá cước là khó chấp nhận”. Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy - Viện Nghiên cứu Tài chính trả lời Đại Đoàn Kết về vấn đề nóng: giá cước vận tải, giá cước taxi đứng lì trước giá xăng giảm sâu.

Giảm giá cước vận tải: Chờ sự tự giác - còn lâu

Ông Phạm Minh Thụy.

PV:Thưa ông, ông có thể bình luận gì trước việc các doanh nghiệp vận tải, taxi, chây ỳ giảm giá cước, hoặc là giảm nhỏ giọt dù Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã gửi văn bản yêu cầu rà soát kê khai lại chi phí?

Ông Phạm Minh Thụy: Trước hết cần phải nói rằng, khi giá xăng dầu giảm mạnh, mà giá cước vận tải đứng im, chây ỳ giảm, hay giảm không tương xứng trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, khiến dư luận rất bức xúc. Bộ Giao thông Vận tải đã phải chủ trì một cuộc họp gấp với các doanh nghiệp để “gò” doanh nghiệp giảm giá cước vận tải, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng kể ra vô vàn lý do để trì hoãn kéo dài.

Doanh nghiệp cho rằng, khi hoạt động không đi đường thẳng mà đi đường vòng các chi phí cũng tăng lên. Theo tính toán từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục biến động giảm: xăng Ron 92 được điều chỉnh giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đ/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%); dầu điêzen 0,05S được điều chỉnh giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đ/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%) nhưng mức giảm cước vẫn chưa phù hợp.

Có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đang bị… “qua mặt” ?

Cước vận tải không như mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hay như giá xăng dầu, giá điện, giá nước nên cơ quan quản lý không thể can thiệp trực tiếp. Cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, vì tính chất nên Nhà nước vẫn tham gia điều hành để bình ổn giá cả thị trường chung.

Nhưng liệu có chồng chéo quản lý khi mà thẩm quyền quản lý giá ở Bộ Tài chính, trong khi đó giá cước vận tải lại thuộc ngành giao thông vận tải?

Doanh nghiệp vận tải muốn tăng hay giảm lại phải khê khai giá với các Sở Tài chính, rồi chờ thẩm định và thời gian. Nhưng doanh nghiệp vận tải lại thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Đây chính là sự chồng chéo bấy lâu nay mà chưa có giải pháp xử lý tức thời.

Thời gian gần đây, cơ quan quản lý cũng đã phối hợp với nhau và có những động thái rõ trong việc tăng cường quản lý giá cước vận tải, thành lập các đoàn thanh tra giá cước vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật nhưng chưa đủ. Tuy nhiên, vẫn cần những hành động quyết liệt hơn.

Trở lại câu chuyện: Cơ quan quản lý có vai trò kiểm tra, kiểm soát. Nếu có dấu hiệu liên kết vi phạm cần xử thật nặng. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lớn để răn đe. Ví dụ như thấy sự kê khai không hợp lý thì có thể thanh tra….?

Đúng vậy. Nhưng ngoài chi phí giá xăng, cái lý của doanh nghiệp là họ còn phải tốn những chi phí khác, chẳng hạn như cầu đường, “làm luật” hay bến bãi….Đây cũng là những lý do năm nào cũng vậy, lần nào cũng vậy được doanh nghiệp kể ra. Cái còn hạn chế trong cơ chế quản lý, điều hành giá của mình là chưa tạo được môi trường cạnh tranh đúng nghĩa, doanh nghiệp chưa có sự cạnh tranh. Vì vậy khi giá xăng giảm, muốn giá cước xuống tương ứng với giá xăng thì rất khó bởi người kinh doanh nói chung, lợi ích người kinh doanh là luôn muốn thu lợi cao. Chờ sự tự giác từ doanh nghiệp thì còn lâu mới có.

Muốn có hiệu quả hơn về công tác giá cước vận tải thì cần kiểm tra gắt gao các chi phí của doanh nghiệp, nếu thấy lợi nhuận bất thường thì phạt thật nặng. Việc vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý sẽ buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch giá. Việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt theo Nghị định 109/2013, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý.

Về phương pháp quản lý, hiện nay quan trọng nhất là kiểm soát chi phí của doanh nghiệp nhưng trong thực tế có nhiều thứ không được đưa vào sổ sách.

Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải tập hợp ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải để liên Bộ Giao thông vận tải – Bộ Tài chính xem xét và sớm ban hành Thông tư 152 sửa đổi để công tác quản lý giá cước vận tải có hiệu quả, tôn trọng thị trường. Dự thảo Thông tư sửa đổi đưa ra: Khi giá nhiên liệu giảm 20% buộc các doanh nghiệp phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa. Chính tôi cũng kỳ vọng rằng, công cụ mới này sẽ tăng được hiệu quả hơn.

Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đang bắt tay làm giá nên mới có chuyện tăng cũng như nhau, mà giảm thì ngó trước nhìn sau?

Để chứng minh được việc doanh nghiệp bắt tay làm giá rất khó. Chúng ta đang đi tìm cách giải bài toán làm thế nào để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc quản lý, còn doanh nghiệp thì tự giác điều chỉnh giá giảm cước khi giá nhiên liệu giảm. Và trong quá trình tìm lời giải thì sẽ phải có tranh luận để tìm được đáp án, cách giải tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm giá cước vận tải: Chờ sự tự giác - còn lâu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO