Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Vai trò truyền thông trong cuộc vận động

Phương Nguyên 12/12/2022 09:00

Sơn La là tỉnh miền núi, từng là nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Bằng những hình thức truyền thông đa dạng, chú trọng cung cấp kiến thức về hôn nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết, tảo hôn đến sự phát triển, Sơn La đang từng bước ngăn chặn vấn nạn này.

Sơn La nỗ lực tuyên truyền để đẩy lùi tình trạng tảo hôn. Ảnh: Lê Hạnh.

Để nâng cao ý thức người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND huyện Thuận Châu, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phổng Lập tổ chức hoạt động ngoại khóa về tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tại buổi ngoại khóa, đại diện các em học sinh khối 6, 7, 8, 9 đã tham gia cuộc thi với nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Buổi sinh hoạt ngoại khóa có 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm. Với các kiến thức đơn giản và dễ hiểu, đồng thời, qua cách thể hiện sinh động, các phần thi góp phần giúp các em học sinh và giáo viên tại nhà trường nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân địa phương trong thực hiện các quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực tại địa phương.

Đây chỉ là một trong nhiều hình thức tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai trong thời gian qua.

Sơn La là tỉnh miền núi với trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Trước đây, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật của một số người dân còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS vẫn diễn ra. Một số em gái ở độ tuổi 14-16 đã lấy chồng, hoặc bị bố mẹ ép gả khi các em vẫn muốn đến trường.

Ông Thào Xuân Nếnh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, ở một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động hoặc kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt.

Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đề án, các địa phương đã vào cuộc triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều huyện, thành phố tập trung vào truyền thông trong đối tượng là các em học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết như cách làm của huyện Thuận Châu.

Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên ở thành phố Sơn La. Ảnh: PA.

Thời gian qua, UBND các xã, thị trấn của huyện Sông Mã đã tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động truyền thông, các cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Kết quả là hàng trăm hội nghị được triển khai ở nhiều cấp, trong đó nhiều hội nghị tổ chức tại khu dân cư; qua đó tạo sự thay đổi, giúp người dân tự giác chấp hành và cam kết thực hiện tốt chính sách, pháp luật, góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Sơn La cũng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín trong vùng DTTS để vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Quảng Nam: Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào vùng cao bằng mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo chương trình hoạt động, các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền và tư vấn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... cùng thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”.

Lai Châu: Đẩy mạnh tuyên truyền, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống

Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vừa phối hợp với phòng Dân tộc huyện, UBND các xã Tà Mung, Khoen On, Ta Gia, Mường Cang, Phúc Than tổ chức Hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các xã. Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi trong hôn nhân, đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và ngăn chặn hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.

M.Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Vai trò truyền thông trong cuộc vận động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO