Giảm thuế để giảm giá

H.Hương 19/03/2022 10:00

Tỷ trọng thuế, phí đang chiếm tới 1/3 cấu thành giá xăng dầu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong tiến trình phục hồi thì việc giữ ổn định giá xăng là điều cần thiết, do vậy nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: CT

Hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng gần 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Thường thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu là tối cần thiết, cả người nghèo, người giàu, doanh nghiệp, người dân…đều phải sử dụng xăng dầu vì thế không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu như với rượu bia, trong khi chi tiêu cho mặt hàng này của người dân ngày càng tăng. Vậy có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu?

Giải đáp về những thắc mắc xung quanh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu. Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, có điều đáng bàn, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên Việt Nam rất khó giảm. Việc kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu chỉ có thể áp dụng bằng chính sách giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn. Trong khi quỹ bình ổn giá cạn dần thì cơ cấu thuế phí trong xăng dầu được đặt lên bàn cân. Tính cho cùng, mặt hàng xăng dầu có nhiều cơ hội để giảm giá khi thuế phí được giảm.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đánh giá xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ không hợp lý, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng, sản xuất để phục hồi sau dịch bệnh.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết hiện cơ cấu thuế phí đang chiếm 38% trong giá bán xăng và 20% đối với dầu. Vì vậy trong điều kiện hiện nay, để duy trì đà phục hồi của tăng trưởng kinh tế và để giúp cho gói kích thích kinh tế của Chính phủ thì việc giảm thuế đối với xăng dầu là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine có thể còn kéo dài. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt vào lúc này là rất phù hợp. Mức giảm có thể 50%-75%. Thời gian giảm có thể trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Cũng theo ông Nghĩa, ở Việt Nam, các phương tiện công cộng còn kém, quy hoạch nhà ở cũng kém. Người nghèo bị đẩy ra ngoài xa trung tâm thành phố. Do vậy, giá xăng dầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với thu nhập của người thu nhập thấp, người nghèo.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm quá nhiều thuế/phí xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế là nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng). Do vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu, khi mà Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng cũng lại là nước xuất khẩu dầu thô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thuế để giảm giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO