Ngay ngày đầu tiên của tháng 6, giá xăng bán lẻ trong nước đã lập kỷ lục mới, vượt 31.000 đồng mỗi lít xăng RON 95. Giá xăng sinh học E5 RON 92 cũng tăng lên mức 30.230 đồng một lít. Như vậy, xăng đã có 5 phiên liên tiếp tăng giá, xô đổ kỷ lục cũ để leo lên đỉnh mới. Việc giá xăng dầu tăng quá cao, đã lập tức ảnh hưởng đến đời sống người dân và các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu là một trong hai biến số quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Giá xăng tiếp tục tăng là điều đã được dự báo. Ngay tại kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu nhằm bình ổn giá mặt hàng này, tránh hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.
Thực tế, Thuế Bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được giảm 50% từ đầu tháng 4 đến cuối năm nay, nhưng trước những biến động tăng giá liên tiếp trong thời gian vừa qua thì việc chỉ giảm Thuế Bảo vệ môi trường chưa hỗ trợ được nhiều. Hiện, thuế suất Thuế Giá trị gia tăng với xăng dầu là 10%; Thuế Tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng RON 95 cũng 10%.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, giá xăng dầu tăng theo biến động thế giới. Việc giá tăng cao kỷ lục như thời gian qua, cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Kiểm soát, hạn chế giá xăng tăng cao để ổn định đời sống người dân và thực hiện vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước, ông Cường cho rằng, dư địa giảm giá vẫn còn. Nhập khẩu cao thì đội giá trong nước, chỉ còn cách cắt bớt thuế phí. Thuế Tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi để người ta lựa chọn xem tiếp tục tiêu thụ nhiều hay lựa chọn cái khác. Ví dụ như giữa tiêu dùng xăng sinh học và xăng khác thì thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau nên chúng ta phải tính đến có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu bây giờ không phải là mặt hàng xa xỉ nữa.
Cũng theo đại biểu này, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng vẫn phải chấp nhận, để đem lại "ý nghĩa cao hơn". Ngoài ra, chúng ta có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng. Phân tích về lâu dài, nhiều đại biểu cho rằng cần tạo nguồn cung trong nước ổn định thông qua tăng dự trữ quốc gia. Đây mới chính là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước trước biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát trước tình hình này đương nhiên rất khó khăn. Nhiều đại biểu đã cho rằng Bộ Tài chính lo thất thu vì giảm thuế thì có thể gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi lạm phát bùng nổ, các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả. Vì vậy, thời điểm này có thể phải tạm hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài.
Phân tích kỹ hơn, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, cũng nhận xét kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa là giữ giá mặt hàng này ở mức thấp. Nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu. Tức là, xăng dầu nhập về rồi chảy ngược ra nước ngoài, trong khi Chính phủ phải bù lỗ việc nhập khẩu. Việc chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và thế giới cũng có thể khiến thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành đúng cơ chế thị trường, hệ quả có thể đối mặt các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Theo báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội của Bộ Công thương, giá xăng Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... và đứng thứ 86 trên 170 quốc gia. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn giá thế giới và một số nước trong khu vực, nên có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài. Ông Diên đồng ý việc tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng giá đầu vào vật tư, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới triển khai chương trình phục hồi kinh tế song cũng cho rằng với độ mở kinh tế cao, nếu ép đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị và sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong những ngày qua và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới gây ra không ít lo ngại cho người tiêu dùng. Chúng ta đã rất thấm thía mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, của công nhân lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp. Chính vì vậy người dân đặt nhiều hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ khi Bộ trưởng Công thương cho hay "sẽ cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá". Trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, có thể tính tới sử dụng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Tâm Như