Giáo dục đại học: Chuyển mình E-learning

Thu Hương 03/11/2021 09:00

Nếu như trước đây E-learning, một phương thức đào tạo hiện đại dựa trên công nghệ thông tin mới bắt đầu được tiếp cận và triển khai tại Việt Nam thì trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đây được coi là một giải pháp được các trường đại học (ĐH) bắt đầu quan tâm và đầu tư vào phát triển.

Ưu thế E-learning

Là một trong những trường đi tiên phong trong việc đào tạo E-learning tại Việt Nam, Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết đã triển khai đào tạo trực tuyến từ năm 2009, đến nay có 7 ngành đào tạo, gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Theo thống kê, giai đoạn 2013-2018 Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển E-learning. Một khảo sát lấy ý kiến người học về trải nghiệm E-learning với sự tham gia của 505 sinh viên Trường ĐH Văn Lang, gồm các sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ năm cho thấy: Khi tham gia học tập trên E-learning, những giá trị mà phương thức này có thể mang lại rất lớn. Cụ thể, nhiều bạn đã đánh giá các giá trị ở mức độ tán thành khá cao (gồm tán thành và rất tán thành), cụ thể chủ động trong học tập (47.8%), linh hoạt về thời gian (46.5%), làm việc có kế hoạch (38.5%), phát triển thêm kỹ năng (34.7%), học liệu phong phú (34.3%), cảm thấy tự tin hơn (30.1%), có thể xem đi xem lại bài giảng của giảng viên nhiều lần khi cần, có thể làm đi làm lại các bài tập không giới hạn,…

Trong khi đó, những khó khăn có thể kể đến là không được khai thác, sử dụng cơ sở vật chất của trường (74.5%), khó kết nối với bạn bè học cùng lớp, cùng nhóm (62.5%), ít được tiếp xúc với bạn bè, thầy, cô (66.1%), làm việc nhóm không hiệu quả (50%)… Đây là những thông số quan trọng để các nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, bắt kịp xu hướng thế giới.

Trở ngại lớn nhất là con người

Học trực tuyến tuy rằng không thể thay thế hoàn toàn chương trình đào tạo truyền thống nhưng cũng đã mở ra cơ hội cho chính các trường và người học có nhu cầu bổ sung và nâng cao tri thức.

PGS. TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM chỉ ra, hiện nay Việt Nam vẫn thiếu một định hướng quốc gia về phát triển E-learning cũng như khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai và bảo đảm chất lượng. Một số khó khăn khác được vị Phó Hiệu trưởng chỉ ra đó là nguồn lực tài chính của nhà trường còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và xây dựng nội dung số; đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo các kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy cũng như xây dựng nội dung số cho các khóa học trực tuyến hoặc kết hợp. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các trường tăng lên do sự thu hút người học từ các chương trình trực tuyến xuyên biên giới với chất lượng cao, chi phí thấp đang là những thách thức đặt ra với giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và từng trường ĐH nói riêng.

Từ góc nhìn chất lượng, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần có những quy định về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng “đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo”, nhất là khi hiện nay, hình thức đào tạo đã không được ghi trên văn bằng được cấp nên để mọi tấm bằng đều thực sự có giá trị như nhau, không thể dễ dãi, xuề xòa trong việc cấp phép cũng như kiểm định chương trình, quá trình đào tào dù là hình thức tập trung hay trực tuyến, từ xa…

Chia sẻ quan điểm này, GS. TS Lê Anh Vinh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng các yếu tố cản trở chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH gồm hai nhân tố chính là về văn hóa và yếu tố thứ 2 là về mặt chi phí. “Sự sẵn sàng thay đổi thực tế đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đôi khi lại khó hơn đối với sinh viên và học sinh. Như vậy, trở ngại lớn nhất không phải là về công nghệ mà trở ngại về con người có sẵn sàng đón nhận thay đổi hay không, có cởi mở với sự thay đổi hay không”- ông Vinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục đại học: Chuyển mình E-learning

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO