Đại học nghiên cứu: Khó nhưng phải làm

Thu Hương 08/01/2020 08:00

Trước ý kiến băn khoăn về các tiêu chí để được công nhận là đại học (ĐH) nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng chuẩn tối thiểu để được công nhận là ĐH nghiên cứu đã được quy định trong Nghị định nên không nên bàn đến chuyện hạ hay nâng chuẩn mà chỉ cố gắng phấn đấu để đạt được.

Đại học nghiên cứu: Khó nhưng phải làm

Ảnh minh họa.

6 tiêu chí của ĐH nghiên cứu

Theo Nghị định 99, cơ sở giáo dục (GD) ĐH định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học. Các tiêu chí cần đạt bao gồm 6 tiêu chí trong đó có tiêu chí phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng GD. Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường, số bài báo trung bình mỗi năm cần đạt…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), cơ sở để xác định các tiêu chí, con số cụ thể của cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, Bộ GDĐT và ban soạn thảo phải tham khảo các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về mô hình này, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực, các tiêu chí của các bảng xếp hạng mà phần lớn các ĐH nghiên cứu tham gia, tỷ lệ ĐH nghiên cứu trong hệ thống GDĐH của một số nước... Trong đó, đào tạo sau ĐH và công bố quốc tế là những chỉ số quan trọng để phân biệt ĐH nghiên cứu với các ĐH khác nhưng đó chỉ là 2 trong số 6 tiêu chí góp phần làm nên ĐH nghiên cứu.

Trên cơ sở các tiêu chí chung để xác định cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, đối chiếu với thực tế hệ thống GDĐH, tốc độ phát triển của các cơ sở GDĐH ở Việt Nam theo các tiêu chí của ĐH nghiên cứu... để xây dựng các kịch bản phù hợp, đánh giá tác động của mỗi kịch bản để xác định các tiêu chí/điều kiện cụ thể trong nghị định sao cho vừa phải đảm bảo tính hợp lý, khả thi ở Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế.

“Nếu so với các ĐH nghiên cứu của thế giới thì ta chưa so được, chẳng hạn như số lượng bài báo công bố. Nên các con số đưa ra là để phù hợp với mức độ thực tế mà các trường trong nước có thể đạt được” – Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Các trường “than” khó

Bày tỏ sự hoan nghênh đối với Luật 34 và Nghị định 99, GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) cho rằng việc đề cập đến ĐH nghiên cứu là sự chuyển biến quan trọng so với những văn bản lần trước. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các nhà trường, GS Đức cũng chỉ ra một số tiêu chí công nhận ĐH nghiên cứu đặt ra theo Nghị định 99 chưa hợp lý. Cụ thể, việc yêu cầu ĐH nghiên cứu phải có tỷ lệ tuyển sinh sau ĐH đạt từ 20% tổng tuyển sinh là khó khả thi. Ông Đức cho biết trước đây ĐHQG Hà Nội cũng xây dựng tiêu chí để thành ĐH nghiên cứu và tỷ lệ này là 25%. Tuy nhiên, những năm gần đây, các trường của Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rất khát nguồn sinh viên tài năng chất lượng cao của Việt Nam nên sẵn sàng cấp học bổng và yêu cầu trình độ tiếng Anh ở mức vừa phải để thu hút.

Chính vì vậy, tỷ lệ tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam đang giảm xuống. Ví dụ, tỷ lệ này của 2 trường thành viên của ĐHQG Hà Nội là ĐH Khoa học tự nhiên chỉ là 14,5%, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn là 17%. Như vậy nếu áp dụng các tiêu chí theo Nghị định, không trường nào thuộc ĐHQG Hà Nội có thể đáp ứng được.

Theo GS Đức, 100 bài báo một năm được đề cập trong tiêu chí nên quy định là bài báo ISI/Scopus và tiêu chí này là hoàn toàn khả thi. Riêng với việc yêu cầu mỗi giảng viên phải có 0,3 bài báo trên tạp chí uy tín, tức là cứ ba năm, một giảng viên phải có một bài trên tạp chí Q1, ông Đức cho rằng quá khó với ĐH Việt Nam.

Một băn khoăn nữa đó là những quyền lợi của ĐH nghiên cứu chưa thực sự rõ ràng. Nghị định chỉ nêu “cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu được ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ” mà không nói rõ ưu tiên thế nào trong bối cảnh kinh phí đầu tư giảm hàng năm. Các ĐH cần biết rõ quyền lợi để tích cực tham gia, tuyên bố sứ mệnh trở thành ĐH nghiên cứu, khi đó GD Việt Nam mới có sức nặng.

Đề xuất chính sách ưu tiên cụ thể, GS Đức kiến nghị mức đầu tư cho một sinh viên của ĐH nghiên cứu phải gấp 3 lần so với ĐH bình thường; có ưu tiên trong quy chế tuyển sinh ĐH sau ĐH nhằm thu hút những em nghiên cứu cơ bản tốt nhưng chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vẫn có thể ở lại và học lên bậc cao hơn. Có như vậy, các trường mới có động lực tham gia để xếp hạng.

Trước ý kiến của GS Đức, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh xu hướng quốc tế không phải là đầu tư cho ĐH nghiên cứu để xếp hạng mà chất lượng của ĐH nghiên cứu rất quan trọng đối với chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tới đây, Chính phủ giao cho Bộ GDĐT chủ trì tham mưu ban hành một nghị định về việc nghiên cứu trong các trường ĐH.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin rằng sau Nghị định này, rất nhiều trường sẽ tập trung, tìm ra trọng tâm, trọng điểm để nâng cao chất lượng, từ đó có căn cứ để đầu tư. Ngay cả đầu tư nhà nước cũng phải xem trường có sản phẩm gì chứ không phải xem tiềm năng. Nếu chỉ có tiềm năng mà tổ chức kém, không ra được sản phẩm thì không thể cứ ngồi chờ đầu tư được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại học nghiên cứu: Khó nhưng phải làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO