Theo các chuyên gia giáo dục, đặc điểm của một nền giáo dục đại học (ĐH) trưởng thành, thực chất, đúng nghĩa gồm tự chủ ĐH và tự do học thuật. Nếu không được tự chủ, nhất là tự chủ về chương trình, và không có tự do học thuật thì ĐH chưa phải là ĐH. Xét về mặt thực tế thì đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có tự chủ ĐH theo nghĩa đầy đủ.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ.
Vẫn là tự chủ… hình thức
Tại hội thảo mới nhất về “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ XXI” do Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, một nhận định được đưa ra rằng: Tự chủ ĐH - vấn đề được đặt ra rất nhiều nhưng giải quyết chưa được bao nhiêu. Tại đây, câu chuyện chủ quản của trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng nhiều lần được nhắc tới.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng -nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Việt Nam hiện vẫn chưa có tự chủ ĐH theo đúng nghĩa. Do đó, cần thiết phải xây dựng một hệ thống giáo dục mở. Mục đích của hệ thống giáo dục mở là tạo ra chất lượng và tăng động lực của giáo dục. TS Vũ Ngọc Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến tự chủ ĐH và tự do học thuật. Nguyên nhân của tình trạng không tự chủ đầy đủ về chương trình và không có tự do đầy đủ về học thuật một phần là do “hành chính hóa”, “chính trị hóa” khoa học giáo dục.
Về vai trò của Hội đồng trường, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, tự chủ ĐH cần thiết phải có vai trò của một Hội đồng trường thực chất là cơ quan quyền lực của nhà trường, không phải là một tập thể hình thức. Hội đồng trường bao gồm những người đại diện cho các tổ chức, tập thể bên trong trường, đồng thời có đại diện của cộng đồng địa phương và mời một số nhà khoa học, quản lý giáo dục công lập tham gia. Hội đồng trường là cơ quan quyết định chức danh quản lý chủ chốt (Hiệu trưởng) của trường, chứ không phải là một tập thể do Hiệu trưởng quyết định. Theo TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, mặc dù các luật về giáo dục và Điều lệ trường ĐH đã có quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng ĐH nhưng trên thực tế, Hội đồng ĐH không phải đã được thành lập ở tất cả các ĐH đa lĩnh vực, và nếu có thì chúng chỉ giữ vai trò rất hạn chế trong các ĐH này và thường bị Giám đốc ĐH xem như một tổ chức tư vấn.
Còn theo ông Dương Trường Phúc - ĐH Quốc gia TPHCM, hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng việc quản lý hệ thống lại chưa có nhiều thay đổi. Ngoại trừ một số trường thuộc ĐH Quốc gia, tất cả các trường ĐH công lập vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp. Các trường ĐH công lập chịu sự xét duyệt từ số lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo (chương trình khung), ngân sách tài chính, cho đến thù lao giảng viên, bổ nhiệm chức danh (GS, PGS). Chính cơ chế quản lý cũ, tự chủ nửa vời như vừa qua đã khiến cho các trường ĐH công lập có nguy cơ mất vị thế vì nguồn lực hạn chế nên không đảm bảo được chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Mong muốn bỏ cơ chế Bộ chủ quản
Những ngày qua, câu chuyện của ĐH Tôn Đức Thắng giống như “giọt nước tràn ly” - xung quanh mong muốn được tự chủ toàn diện của trường ĐH kể từ khi được thực hiện thí điểm tự chủ đến nay. Vấn đề được đặt ra là tới đây thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, quan hệ giữa Bộ chủ quản và cơ sở đào tạo cần phải hiểu như thế nào cho đúng?
Hiện vấn đề “Bộ chủ quản” đang khá phức tạp trong quản lý và điều hành trường ĐH. Đây cũng là mấu chốt trong nhiều vấn đề của tự chủ ĐH. Ông Dương Trường Phúc cho rằng, thời gian tới, muốn việc tự chủ ĐH và tự do học thuật thực hiện được thì cần tập trung sửa đổi Luật Giáo dục và Giáo dục ĐH. Từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thực hiện tự chủ ĐH. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường, phân biệt trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận để các trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực nhà nước.
Theo quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, việc giao quyền tự chủ cho các ĐH đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường ĐH nói chung phải đi cùng với việc xoá bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Một khi bỏ được cơ chế “Bộ chủ quản” và giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các ĐH đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xoá đi được ấn tượng về “hai cấp Bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Nhiều chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng Bộ chủ quản vẫn tồn tại nhưng việc quản lý nhà trường ĐH phải thông qua Hội đồng trường. Theo đó, phải quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường, Hiệu trưởng. Đồng thời, có một số quy định của luật pháp về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo, mở ngành, cấp bằng thế nào để các trường thực hiện. Hiệu trưởng trường ĐH sẽ do Hội đồng trường bầu và trình lên cơ quan chủ quản phê duyệt. Như vậy, Bộ GDĐT là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định pháp lý để kiểm soát các hoạt động của nhà trường. Và cũng có ý kiến đề nghị, để tự chủ ĐH hiệu quả, rất cần phải từng bước xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho Hội đồng trường cũng như trao quyền thực sự cho cơ sở giáo dục ĐH; chuyển một số trường ĐH công qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.
Tự chủ ĐH tạo ra động lực tự thân của từng trường, trong đó có tự chủ về tuyển sinh Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Như vậy, đến nay chủ trương thí điểm tự chủ ĐH đặt ra đã được hơn 10 năm, nhưng nhiều ĐH vẫn lúng túng. Một lần nữa, vấn đề quản lý, sắp xếp, tái cấu trúc lại các trường ĐH trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục cần sớm được xem xét một cách thấu đáo. Cùng với đó là những hướng dẫn mới trong việc thực thi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Giao tự chủ, không có nghĩa là buông!
Tại hội thảo mới nhất của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, TS Phan Chính Thức - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Trao quyền tự chủ, thực hiện trách nhiệm giải trình và áp dụng cách thức quản trị của doanh nghiệp quyết định sự tồn tại và thương hiệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong thời gian tới. Theo đó, phát triển GDNN và nâng cao chất lượng đào tạo phải song hành với việc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN. Yếu tố quan trọng nhất của tự chủ phải đảm bảo tính “bất biến” về chất lượng đào tạo và chất lượng dịch vụ. Mô hình tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình theo hướng đảm bảo chất lượng; sử dụng kiểm định chất lượng và đánh giá như là công cụ quản lý của nhà nước để kiểm soát chất lượng đào tạo, dịch vụ và là căn cứ để giao quyền tự chủ cho cơ sở GDNN. Thông qua bảo đảm chất lượng, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN cũng được nâng cao. Tuy nhiên, giao quyền tự chủ cho cơ sở GDNN không có nghĩa là nhà nước “buông” đầu tư, cắt kinh phí mà trái lại cần quan tâm đầu tư mạnh hơn để các cơ sở GDNN (nhất là các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao) tự chủ tốt hơn và giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Phân tích cặn kẽ hơn, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH không có nghĩa là mọi trường ĐH đều có cơ chế tự chủ như nhau. Hiện nay ở một số nước có nền giáo dục phát triển, họ phân rõ mức độ tự chủ của các trường: Những trường ĐH theo nhóm nghiên cứu sẽ được trao quyền tự chủ tối đa, còn các trường theo định hướng nghề nghiệp cũng có tự chủ nhưng ở mức độ nào đó và vẫn chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Điều quan trọng là để việc tự chủ ĐH thực hiện có hiệu quả chúng ta cần gắn quyền tự chủ của trường ĐH cùng trách nhiệm giải trình với xã hội. Quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm đối với sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý càng cao. Trách nhiệm này bao gồm cả việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với xã hội.
Dẫu thế, một xu hướng dễ nhận thấy của tự chủ ĐH trong thời gian qua là các trường muốn được tự chủ nhiều hơn về các hoạt động, nhưng có một nội dung hết sức quan trọng là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước các cơ quan quản lý nhà nước, người học và xã hội về các hoạt động của mình thì ít được đề cập đến và đang được nhìn nhận và thực hiện rất khác nhau giữa các trường ĐH. Âu cũng là do khái niệm “trách nhiệm giải trình” của cơ sở giáo dục ĐH chưa được hiểu thống nhất, đặc biệt là giữa các trường công lập và tư thục.