Học nghề 9+: Lối mở vào đời

Lê Bảo - Vi Cầm 04/06/2020 08:00

Đối với học sinh không có nhu cầu hoặc khả năng học tiếp lên bậc THPT, việc lựa chọn mô hình 9+ là con đường ngắn và phù hợp để các em có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Giờ đây, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN), trường nghề trong nước với trường nghề nước ngoài đã khẳng định hiệu quả đào tạo cũng như đảm bảo chắc chắn về đầu ra cho người học.

Bài 2: Học nghề để có việc làm ngay

Học nghề 9+: Lối mở vào đời

Học nghề để có việc làm ngay. Ảnh: Mạnh Dũng.

Nhiều trường nghề nhập cuộc

Theo chia sẻ của đại diện Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1- Bộ Xây dựng: Khi học xong, gần như 100% các em có việc làm, DN về tận trường tuyển dụng và ký hợp đồng tại chỗ”. Hơn 1.300 học sinh đang theo “Chương trình 9+” tại trường CĐ nghề Việt Xô số 1 (Phúc Yên-Vĩnh Phúc) với 3 nhóm nghề Điện, Cơ khí hàn và Máy xây dựng. Khác với những HS cuối cấp THPT còn đang trăn trở chọn ngành, chọn trường thì các HS ở cơ sở đào tạo này đã biết ra trường mình làm gì.

Tại đây, các tiết học văn hóa cũng được chú trọng nội dung để các em có thể ứng dụng vào các giờ học nghề như các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ... Theo “Chương trình 9+”, HS có thể lựa chọn đi làm ngay với bằng trung cấp, hoặc học tiếp lên CĐ, hoặc liên thông ĐH ngay từ khi tốt nghiệp THCS. Điều đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí đào tạo trong nhà trường, rút ngắn thời gian học tập, mở ra nhiều cơ hội lập nghiệp sớm cho các bạn trẻ.

Với tỉ lệ 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề và thu nhập ổn định, từ lâu Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc về đào tạo nghề được học sinh và các doanh nghiệp tìm đến. Ngay khi Bộ LĐTB&XH có chủ trương khuyến khích các trường mở hệ đào tạo theo Chương trình 9+, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã bắt tay ngay vào thực hiện thí điểm Chương trình 9+. Tính riêng năm học 2019 - 2020, công tác tuyển sinh vượt 120% so với năm học trước, với hơn 1300 học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Trong đó, hệ CĐ liên thông là trên 900 em, 150 em hệ 9+ và hơn 50 em học hệ trung cấp.

Tương tự, Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại- Bộ Công thương (Vĩnh Yên-Vĩnh Phúc) cũng bắt tay vào triển khai Chương trình 9+. Chỉ tính riêng năm 2020 trường đã triển khai tuyển sinh 40 chỉ tiêu ngành Điện tử công nghiệp, theo học chương trình 9+5 đào tạo kĩ sư thực hành theo mô hình KOSEN Nhật Bản. Đối tượng tuyển sinh là: Học sinh tốt nghiệp THCS có học lực trung bình trở lên, thời gian đào tạo là 5 năm. Theo đó học sinh sẽ theo học chương trình Đào tạo chất lượng cao trình độ quốc tế với sự tham gia của chuyên gia Kosen do Nhật Bản cử sang Việt Nam.

Ông Lê Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Trường trung cấp công nghệ Thăng Long (Hà Nội) cho hay, nhiều năm qua việc tuyển sinh đối với nhà trường là bài toán khó. Thế nhưng khi bắt tay vào triển khai Chương trình 9+ song ngữ thì cánh cửa tuyển sinh vô cùng mở. Ngoài việc đào tạo nghề theo Chương trình Đức và Nhật, trường áp dụng dạy song ngữ. Trong đó tiếng Anh là chủ đạo ngoài ra học sinh được lựa chọn học thêm ngoại ngữ thứ 2 là Đức, Nhật, Hàn, Trung. Sau 3 năm học, HS không chỉ có bằng văn hóa, bằng trung cấp nghề mà còn được cấp chứng chỉ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài và du học.

Đào tạo theo yêu cầu DN

Theo đánh giá của các chuyên gia, về căn bản mô hình 9+ không phải là mô hình mới mẻ tuy nhiên khi triển khai các trường đã có những sáng tạo, tư duy về đào tạo nghề. Theo đó những nghề đào tạo không còn dập khuôn theo một “mô tip” cũ mà đã bắt kịp theo xu hướng của thị trường lao động. Điều đặc biệt các trường không còn tư duy đơn thuần là một cơ sở đào tạo nghề, mà còn là trung gian đi tìm sự liên kết với các DN, tạo cơ hội thực hành và việc làm cho người học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội thường xuyên kết nối với gần 300 DN, tổ chức trong nước và quốc tế để mở rộng mạng lưới đào tạo, cập nhật công nghệ và các xu hướng mới như: Tập đoàn Samsung, tổ chức Koica, Trường CĐ Công nghệ Bách khoa Hà Nội... Mới đây, trường đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với VinFast về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực. Riêng trong năm 2019 đã có gần 700 sinh viên đi thực tập và trải nghiệm sản xuất đảm bảo an toàn và được các DN đánh giá cao.

Dù mới triển khai Chương trình 9+, song ông Lê Đình Trung cho hay hiện Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long đã có mối liên kết với nhiều tập đoàn, DN trong lĩnh vực CNTT, du lịch và điện tử. Nhờ sự chủ động này mà HS của trường được thực hành ngay tại môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhờ đó kỹ năng về nghề, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm được nâng cao.

Đánh giá việc triển khai Chương trình 9+, ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH) cho biết thời gian qua nhiều trường cao đẳng trên cả nước đã triển khai rất thành công mô hình này như: Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Vĩnh Phúc, Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc, Trường CĐ Công nghiệp Huế, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… Tỉ lệ có việc làm của HS theo học mô hình đào tạo tạo 9+ tại các trường này đạt trên 90%.

Có thể thấy việc triển khai mạnh mẽ đào tạo nghề trong GDNN theo mô hình 9+ là một hướng đi tất yếu, giúp giảm tải áp lực trước thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay; không chỉ giải bài toán phân luồng hiệu quả, mô hình này còn tạo cơ hội cho nhiều HS sau lớp 9 có định hướng, có nghề nghiệp từ sớm.

Tính trung bình, năm 2018, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỉ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 87%, trung cấp 82%. Còn trên thực tế, nhiều cơ sở GDNN hiện nay khi tuyển sinh đều cam kết với người học sau khi đào tạo sẽ được giải quyết việc làm. Điều này cho thấy nhà trường hoàn toàn tự tin với chất lượng đào tạo của mình đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cũng như nhà tuyển dụng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học nghề 9+: Lối mở vào đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO