Quy hoạch các trường sư phạm: Chưa có chuyển biến

Thu Hương 12/07/2019 08:00

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 đang cận kề, câu chuyện tuyển sinh ngành sư phạm lại đang trở thành mối quan tâm. Bởi không phải đến khi Bộ GDĐT đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với ngành sư phạm mà từ vài năm trở lại đây, nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi, bài toán quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển…

Quy hoạch các trường sư phạm: Chưa có chuyển biến

Cần sớm quy hoạch các trường đào tạo sư phạm.

Ảm đạm tuyển sinh

Khoa Tự nhiên Trường CĐSP tỉnh Nam Định năm học 2018-2019 có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên. Trong đó, một số lớp có 7 sinh viên, thậm chí 2 sinh viên. Những ngành học tại Khoa Xã hội của trường này cũng có sĩ số tương tự, đặc biệt có lớp Âm nhạc chỉ có 1 sinh viên.

“Trong tương lai nếu không còn sinh viên theo học nữa thì một số ngành của khoa sư phạm phải đứng trước nguy cơ tan rã”, ThS Lê Thị Ngoãn (Trường CĐSP Nam Định) cho biết. Theo bà Ngoãn, mùa tuyển sinh 2019, theo đăng ký xét tuyển thì hiện các ngành sư phạm Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật có ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Dù còn một lần thay đổi nguyện vọng nữa nhưng cũng không hi vọng nhiều vì đây là tình trạng chung vài năm gần đây rồi.

Cũng theo ThS Lê Thị Ngoãn, hiện ở các địa phương vẫn tồn tại trường CĐSP, song chính địa phương lại không có nhu cầu sản phẩm từ những trường này. Cụ thể, nhiều địa phương có trường CĐSP vẫn thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH!

TS Hồ Cảnh Hạnh - Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nhiều trường CĐSP đang lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Nguyên nhân do cơ chế quản lí các trường CĐSP nhiều bất cập - theo kiểu coi trường sư phạm là trường phổ thông cấp 4. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các trường sư phạm còn chưa tương xứng với vai trò, vị trí; nguồn kinh phí thấp, trong khi đó trường sư phạm không thu học phí, không có nguồn thu sự nghiệp… Quy mô đào tạo của trường sư phạm ngày càng giảm, do cắt giảm nhu cầu, chỉ tiêu, nguồn tuyển, khó tuyển sinh. Do vậy, vị thế trường sư phạm bị hạ thấp.

Ngoài ra, đa số các trường CĐSP được nâng cấp từ trường trung cấp sư phạm theo quyết định của Bộ GDĐT, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh, quyền hạn, vị trí tương đương cấp sở ngành.

Cần hành động

Câu chuyện quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đã được đặt ra riết róng từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, nhìn từ cảnh “heo hắt” trong tuyển sinh của nhiều trường CĐSP, nguy cơ dừng hoạt động của các trường này là hiện hữu. Chưa tính đến việc đạt chất lượng hay sát nhập theo Đề án ở trên, các trường CĐSP trước mắt cần làm gì?

Ông Hồ Cảnh Hạnh cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới sư phạm cần có lộ trình cụ thể tương ứng với các điều luật liên quan. Chẳng hạn giai đoạn trước mắt có thể giao trường CĐSP đào tạo chuyển tiếp cho các trường ĐH sư phạm. Trường sư phạm là hệ thống vừa đào tạo giáo viên vừa bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; đồng thời nên là trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống trường chất lượng là các cơ sở thực hành, thực tập sư phạm.

Ông Hạnh cũng cho rằng, trước mắt cần có những quy định bằng văn bản điều hành hoặc văn bản quy định pháp luật để các địa phương giao nhiệm vụ cho trường CĐSP trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Trong những năm tới, giao nhiệm vụ cho trường CĐSP tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa…

Bà Lê Thị Ngoãn đề xuất, cần có giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu của các trường ĐH…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch các trường sư phạm: Chưa có chuyển biến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO