Giàu nghèo trong đại dịch

Quang Vũ 11/04/2021 06:32

Mới đây, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố bản danh sách các tỷ phú trên thế giới, với người giàu nhất là Jeff Bezos: 177 tỷ USD, kế đến là Elon Musk, với 151 tỷ USD.

Điểm đáng chú ý đằng sau bản danh sách được công bố thường niên này chính là việc giới tỷ phú, siêu giàu đã tích tụ được nguồn tài sản cá nhân tăng mạnh, bất chấp tình cảnh kinh tế khó khăn, bết bát trên phạm vi toàn cầu do tác động của Covid-19.

Số tỷ phú giàu thêm trong đại dịch Covid-19 khá nhiều. Ảnh: Forbes.

Theo Forbes, số các nhân vật mới gia nhập câu lạc bộ tỷ phú, hoặc mới quay trở lại danh sách, đều tăng mạnh. Tính trên phạm vi toàn cầu, số lượng tỷ phú tăng 660 người, lên 2.755 tỷ phú, tăng khoảng 30% so với năm 2019. Trong số này có 493 người thuộc diện lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới.

Trong 8 tỷ phú đứng đầu thế giới, có 7 người giàu hơn so với trước thời điểm đại dịch bùng phát, với mốc thời điểm xác định giá trị tài sản về chứng khoán và tỉ giá quy đổi ngoại tệ vào đầu tháng 3/2021. Mỹ vẫn là nước đứng đầu về số lượng, với 724 tỷ phú, kế đến là Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Macao) với 698 tỷ phú. Tính tổng thể, các tỷ phú trên thế giới trong năm 2020 đã tích tụ thêm được gần 5.000 tỉ, từ mức 8.000 tỷ USD lên 13.100 tỷ USD.

Còn theo trang The Guardian (Anh), trong đại dịch Covid-19, số tài sản tăng thêm mà 10 tỷ phú hàng đầu tích lũy được là khoảng 450 tỷ USD. Nói như bà Ana Arendar, người đứng đầu chiến dịch chống bất bình đẳng của Oxfam (tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo) thì những người giàu nhất trong số những người giàu đã kiếm được rất nhiều tiền trong đại dịch Covid-19.

Bà Arendar cũng cho rằng, trong lúc hàng trăm triệu người thiếu đói do Covid-19 thì việc “tranh thủ làm giàu” ấy là đáng lên án. Ông Luke Hildyard, Giám đốc điều hành High Pay Center, một tổ chức nghiên cứu về lương, cũng cho rằng, đánh đổi cả trăm triệu người rủi ro thì vài chục người may mắn sẽ chính là sự nhức nhối của nhân loại.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thì tới thời điểm này có ít nhất 72 nền kinh tế được khảo sát trong số 120 nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã rơi vào tình thế “dễ bị tổn thương” do Covid-19. Sự tổn thương đến từ những món nợ khổng lồ mà họ buộc phải vay. Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, cho biết các khoản thanh toán dịch vụ trong năm 2020 rơi vào khoảng 1.100 tỷ USD tiền nợ.

Tại một hội nghị trực tuyến mới đây do Canada và Jamaica đồng chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), người ta cũng cho rằng việc phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hậu Covid là rất khó khăn, khi mà khoảng cách giàu nghèo tăng lên.

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho rằng cuộc khủng hoảng do đại dịch khiến nhiều nền kinh tế tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn. Dự báo, đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng.

Còn theo Thủ tướng Jamaica, ông Andrew Michael Holness, thì nhiều nước nghèo đã buộc phải hạn chế chi tiêu công để có tiền trả nợ. Cũng chính vì thế mà gia tăng tình trạng nghèo đói. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, 6 quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

Nếu trong năm 2020, thế giới có thêm 493 tỷ phú thì ít nhất cũng có hơn 200 triệu người bị đẩy vào nghèo đói. Theo Michael M’Kella, kinh tế gia người Nam Phi thì nhiều thăm dò cho thấy sự sụt giảm thu nhập của 69% người được hỏi ở các nước nghèo.

Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co, Tiến sĩ Bruce Kasman, thì chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong vòng 25 năm qua giữa các nước giàu với các nước nghèo; giữa người giàu với người nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giàu nghèo trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO