Giữ trong sáng cho môi trường học đường

Ngọc Quang

Giữa tháng 4/2023, do trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ bạo lực học đường, các hành vi tiêu cực về đạo đức, lối sống của một số cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học. Tuy nhiên, tình hình không thuyên giảm khiến mới đây Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu ngành giáo dục phải chấn chỉnh toàn diện.

Trước hai lần yêu cầu được cho là “cấp bách” như trên, thì trước đó vào tháng 12/2018, tỉnh Quảng Bình cũng đã đề ra các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học, giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình lại có Công văn số 1781, ngày 28/9/2022, về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025", theo Quyết định số 1299 ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy có thể thấy tỉnh Quảng Bình rất chú trọng tới việc tăng cường trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường cũng như những vấn đề tiêu cực trong môi trường học đường nói chung.

Tuy nhiên, kết quả đã không được như ý muốn khi mà gần đây tại Quảng Bình liên tiếp xảy ra tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học sinh với những hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm hại thân thể ở trong và ngoài các cơ sở giáo dục. Mới đây nhất là vụ 1 học sinh lớp 6 đánh 1 học sinh lớp 7 tại trường Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý (TP Đồng Hới). Vụ việc được ghi lại qua clip rồi phát tán trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Trong clip này, một nữ sinh bắt bạn quỳ giữa lớp rồi tát liên tiếp vào mặt bạn. Nữ sinh bị đánh chỉ biết quỳ gối chịu trận mà không dám phản kháng. Bạn bè của các em quay clip, chứng kiến sự việc nhưng không can ngăn.

Thật đáng tiếc là không chỉ có chuyện học sinh đánh nhau, tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) còn xảy ra vụ Hiệu trưởng hành hung Hiệu phó gây thương tích (Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc). Công an huyện Lệ Thủy đã xử phạt hành chính vị Hiệu trưởng nọ 6,5 triệu đồng. Còn vị Hiệu phó cũng bị xử phạt hành chính 400 ngàn đồng vì cãi vã, to tiếng gây mất trật tự tại trường học.

Sự việc không dừng ở đó khi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lệ Thủy đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi ủy chi bộ Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc.

Theo ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình thì thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến ngành giáo dục. Ngành sẽ tăng cường các biện pháp chấn chỉnh, xây dựng văn hóa ứng xử trường học, giáo dục đạo đức lối sống trong cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh. Ông Tuấn cho biết, đơn vị nào để xảy ra bạo lực học đường hoặc vi phạm đạo đức nhà giáo thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước địa phương, cơ quan quản lý và cấp trên.

Để giải quyết rốt ráo, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sẽ thanh tra một số trường học về quản lý tài chính, chi tiêu, quản lý cán bộ, kỷ luật kỷ cương và bạo lực học đường.

Bạo lực học đường không phải là chuyện mới mà cũng không chỉ có ở một địa phương cụ thể nào. Đó là câu chuyện đau lòng gây bức xúc dư luận, vẫn diễn ra mà không chấm dứt cho dù nhiều năm qua chúng ta đã đề cao việc phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục là nhà trường - gia đình - xã hội. Phải chăng biện pháp này “không hiệu quả”? Rất cần suy nghĩ khi biện pháp phối hợp kể trên là nhắm đến học sinh, vậy nếu như nó lại xảy ra ở giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì sao?

Môi trường học đường được ví như lề của tờ giấy. Giấy rách giữ lấy lề. Nếu như môi trường ấy vẫn còn tiêu cực, còn bạo lực thì thật đau lòng. Việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu “chấn chỉnh toàn diện” ngành giáo dục tỉnh này, bên cạnh quyết tâm lấy lại sự trong sáng cho môi trường học đường thì cũng khách quan cho thấy nhiều vấn đề của trường học cần phải được “nhìn thẳng” và sớm giải quyết.

Thiết nghĩ, việc tỉnh Quảng Bình chủ trương chấn chỉnh toàn diện ngành giáo dục cũng không nên giới hạn ở địa phương nào, mà cần được nhận thức ở quy mô rộng hơn. Chỉ có như thế các thế hệ học sinh ngây thơ trong sáng mới thực sự được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tin liên quan

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Kỳ vọng thể thao Việt Nam

Kỳ vọng thể thao Việt Nam

Lễ khai mạc hoành tráng Asiad 19 đã diễn ra tối 23/9/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc), đánh dấu sự khởi đầu cho màn tranh tài của những vận động viên xuất sắc nhất ...
Doanh thu truyền thông 'chảy' đi đâu?

Doanh thu truyền thông 'chảy' đi đâu?

Ảnh hưởng của mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới khiến các cơ quan truyền thông Việt Nam gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu, sụt giảm bạn đọc.
Chuẩn hóa ngân hàng đề thi

Chuẩn hóa ngân hàng đề thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chia sẻ những điểm đã được thống nhất về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi năm 2023. ...
Học phí đại học

Học phí đại học

Nếu năm 2023 không có quy định khác, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 81, học phí sẽ tăng cao so với năm học 2022-2023.
Cơ chế cho Hà Nội phát triển

Cơ chế cho Hà Nội phát triển

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Biển số đẹp

Biển số đẹp

Tới nay, dư luận vẫn không hết bàn tán về biển số "siêu vip" 51K-888.88 đã đấu giá thành công với số tiền cực khủng: 32,34 tỷ đồng, vào ngày 15/9.
Tăng cường năng lực nội sinh

Tăng cường năng lực nội sinh

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đồng thời cũng là năm thứ hai ...

Tin nóng

Lo xa chuyện... Tết

Lo xa chuyện... Tết

Tại thời điểm này, quý cuối cùng của năm 2023 cũng sắp bắt đầu. Lo tăng tốc kinh tế cuối năm và xa hơn cũng là lo Tết.

Xem nhiều nhất