Gỡ nút thắt cải cách hành chính

Bắc Phong 01/04/2023 07:05

Chiều 30/3, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nếu thuộc chủ quan của mình mà chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục, tác động xấu đến tâm tư tình cảm, ảnh hưởng tới giá trị vật chất của người dân, doanh nghiệp thì phải đi xin lỗi chứ không gửi thư xin lỗi.

Phát biểu của vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM một lần nữa cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc cải cách hành chính (CCHC), nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. “Người đứng đầu phải quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo bởi hiện nay có hiện tượng người đứng đầu cũng chùn tay” - ông Hoan nói và lưu ý người đứng đầu phải có trách nhiệm giao việc, rà soát, kiểm tra xử lý; rà soát quy trình nội bộ cũng như liên thông xem có phù hợp không, cần tháo gỡ những gì và phải ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, quản lý. Còn với đội ngũ cán bộ công chức cũng phải rõ người, rõ việc. Việc nào đúng phải làm ngay, việc nào còn chồng lấn, chưa rõ thì đề xuất, kiến nghị. TPHCM khuyến khích cán bộ, công chức mạnh dạn hơn trong giải quyết hồ sơ, tham mưu giải quyết công việc theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị (ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung).

Được biết, hiện TPHCM còn tồn hơn 20.000 hồ sơ. Đây là các trường hợp người dân và doanh nghiệp còn vướng, cần giải quyết ngay. “Tôi đề nghị thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch quận phải tập trung giải quyết bằng được các trường hợp dân gặp vướng do lỗi của chúng ta, gây thiệt hại. Nên tổ chức gặp và xin lỗi chứ không phải gửi thư xin lỗi hành chính bình thường” - ông Hoan nói.

Năm 2023, TPHCM đề ra chỉ tiêu phấn đấu chỉ số CCHC cao hơn năm 2022 và thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 98% trở lên trong từng lĩnh vực; giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đăng kí đất đai và đầu tư dưới 3%.

Những năm gần đây, TPHCM rất coi trọng CCHC, trong đó chú trọng việc giải quyết thủ tục theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ngày 17/2/2023, tại buổi lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc. Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nói, cơ quan chức năng phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, để doanh nghiệp không phải “rón rén đi cửa trước, cửa sau”. Thông điệp của chính quyền thành phố là mỗi công chức, viên chức phải làm đúng và làm tốt việc của mình, ai không làm tốt sẽ bị xử lý. Ông Nên cam kết sẽ công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền.

TPHCM là địa phương đông dân nhất cả nước, với hơn 10 triệu người; hơn 500.000 doanh nghiệp (con số đến tháng 3/2023). Để bộ máy khổng lồ ấy vận hành tốt đòi hỏi thủ tục hành chính phải rất trơn tru, thuận lợi. Đội ngũ cán bộ viên chức chỉ thiếu trách nhiệm một chút thôi sẽ lập tức gây ách tắc. Chính vì thế TPHCM rất coi trọng CCHC, nếu cao trách nhiệm và đạo đức công vụ. Tuy nhiên vẫn chưa được như ý muốn.

Chiều 28/12/2022, tại hội nghị tổng kết phong trào công nhân viên chức, người lao động và hoạt động công đoàn TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Mặc dù so với cả nước, đoàn viên công đoàn TPHCM có số giờ làm việc, tiền lương cao hơn; dịch vụ mua sắm, ăn uống tốt hơn nhưng chỉ số hài lòng chỉ đạt trung bình khá, với 6,11/10; thấp hơn bình quân 6,9/10 của cả nước.

Lui lại trước, từ vị trí thứ 23/63 tỉnh của cả nước trong năm 2020, TPHCM bị xuống vị trí 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021; nằm trong nhóm B (gồm 59 tỉnh, kết quả Chỉ số đạt từ 80% - dưới 90%), dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%. TPHCM cũng là một trong những địa phương đứng đầu trong phản ánh của người dân về sự chậm trễ, thái độ trong giải quyết thủ tục hành chính, chiếm 1/5 tổng số phản ánh, kiến nghị của cả nước.

Những điều đó càng cho thấy việc CCHC, đẩy tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM là rất cấp thiết. Với truyền thống năng động, sáng tạo cùng quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, hy vọng tới đây TPHCM sẽ tháo gỡ được những nút thắt về CCHC. Vì người dân, vì doanh nghiệp cũng chính là vì sự phát triển của thành phố, của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt cải cách hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO