60 năm rồi về đâu?

Từ Khôi 09/12/2019 06:20

"Đi về đâu hỡi em/ Khi trong lòng không chút nắng/Giấc mơ đời xa vắng/ Bước chân không chờ ai đón… Lòng lạnh băng giữa đau thương…”- ca khúc “Đời gọi em biết bao lần”của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn viết cho phim “Tội lỗi cuối cùng” ngân lên trong phòng quay nội,sao thật da diết và ăn nhập vào tâm trạng buồn tủi của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ trong Lễ kỷ niệm 60 năm Hãng Phim truyện Việt Nam tối 6/12 tại số 4Thụy Khuê, Hà Nội.

60 năm rồi về đâu?

Một số nghệ sĩ sức khỏe không tốt cũng đến dự Lễ kỷ niệm.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết khoảng 20 ca khúc cho phim truyện và phim tài liệu. Thế nhưng, ca khúc “Đời gọi em biết bao lần” cho bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” sản xuất năm 1979 (NSND đạo diễn Trần Phương, nữ diễn viên chính Phương Thanh vai Hiền cá sấu) là nổi tiếng hơn cả. Những nghệ sĩ đã khéo léo đưa ca khúc này vào kịch bản của chương trình kỷ niệm 60 năm Hãng Phim truyện Việt Nam. Trên nền hình ảnh phim Tội lỗi cuối cùng, những nhạc công của Nhạc viện Hà Nội và ca sĩ, nhà biên kịch Hà Anh Thu đã khiến người xem thổn thức và xót xa. Thông điệp của nghệ sĩ càng rõ ràng qua những ý kiến phát biểu của khách mời và tâm tư của những thế hệ nghệ sĩ về số phận của Hãng Phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa không thành công, và đến nay hệ lụy chưa được khắc phục.

Những cán bộ, nghệ sĩ đã tự lên kế hoạch, tự tìm tài trợ để tổ chức Lễ kỷ niệm. Tuy ngành điện ảnh được thành lập từ ngày 15/3/1953, nhưng các cán bộ, nghệ sĩ đã chọn mốc son 1959 khi bộ phim Chung một dòng sông (kịch bản Cao Đình Báu, Đào Xuân Tùng; đạo diễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam; diễn viên Phi Nga…) được sản xuất. Buổi Lễ bắt đầu bằng phút im lặng tri ân những liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Hãng Phim truyện đã khuất. Một phóng sự phim về quá trình hình thành, phát triển, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Hãng Phim truyện Việt Nam. Những thống kê cho thấy sự đóng góp to lớn của Hãng Phim truyện Việt Nam là hơn 300 bộ phim truyện. Hàng chục nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và hàng trăm người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Có những người đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, có người được giải thưởng Nhà nước về VHNT. Và rất nhiều huân, huy chương các loại.

Số 4 Thụy Khuê, Hà Nội từ lâu đã trở thành lâu đài nghệ thuật với nền điện ảnh nước nhà. Nhưng nay chỉ có những dãy nhà lụp xụp, hoang vắng. Từ nơi đây, biết bao gia đình có cha, anh, con, em nối nhau làm nghệ thuật. “Số 4 Thụy Khuê cho tôi thành danh, cho tôi giải thưởng, cho tôi làm nghề. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ số 4 Thụy Khuê…” NSƯT đạo diễn Xuân Sơn – nguyên Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam nói. Còn NSND đạo diễn Đặng Nhật Minh tự hào: Khi về số 4 Thụy Khuê, tôi chỉ biết tiếng Nga. Tôi đã được học nghề, làm nghề, có được các danh hiệu từ đây...

NSND đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói: Hàng trăm bộ phim của Hãng Phim truyện Việt Nam đều phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Những bộ phim truyện này đã đưa hình ảnh của Việt Nam ra khắp năm châu. Thế nhưng, cổ phần hóa sai đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Cán bộ, nghệ sĩ không được làm phim, bị cắt lương, bị cắt BHXH. Một Hãng phim truyện đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng sao lại bị đối xử như thế?. Hội Điện ảnh sẽ đứng cùng các hội viên của Chi hội Điện ảnh Hãng Phim truyện Việt Nam để vượt qua cơn hoạn nạn này…

Hàng trăm cán bộ, nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam đến dự đều thổn thức, xót xa. Có những nghệ sĩ hơn 90 tuổi như họa sĩ Ngọc Linh, đạo diễn Long Vân đi xe lăn, hay những lão ông, lão bà tóc trắng như mây, thần tượng của khán giả một thời và cả những nghệ sĩ khắp ba miền đều về dự. Trong khi ở một số ngành, Lễ kỷ niệm 60 năm, một hoa giáp người ta đến để mừng vui, để hân hoan đón các lãnh đạo tới thăm và đón nhận các huân, huy chương thì ở Hãng Phim truyện Việt Nam gặp nhau là để biết nhau còn sống, còn khỏe và cơ đồ sắp tới chưa biết sẽ ra sao? Có lẽ cảm xúc của lớp nghệ sĩ già tao tác như chim mất tổ. Cả đời cống hiến đến khi về hưu cảm thấy như bị bội bạc, không có chỗ vui vầy chia sẻ mỗi dịp hiếu, hỷ, lễ trọng. Và với lớp trẻ là nỗi xót xa không giữ được cơ đồ của cha, anh, cảm giác mình như bị ruồng bỏ, như bị coi là người cổ hủ cần xóa bỏ...

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Những người gây ra sai phạm đều vắng mặt tại buổi Lễ kỷ niệm. Cán bộ, nghệ sĩ cũng không một lời ta thán chỉ đích danh về các cá nhân gây ra “tai vạ” cho Hãng Phim truyện Việt Nam cũng như bản thân mình. Đau xót, nhưng có lẽ tất cả những khách mời đến dự, những thế hệ cán bộ, nghệ sĩ đã làm việc và đang còn làm việc vẫn hy vọng rằng: Chính phủ và các cơ quan chức năng mau chóng để VIVASO thoái vốn, và tìm ra cơ chế mới cho Hãng Phim truyện Việt Nam hồi sinh.

Được biết, sau khi cán bộ, nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam tiến hành tổ chức Lễ kỷ niệm, Bộ VHTTDL cũng sẽ làm một lễ kỷ niệm tại Nhà hát Âu Cơ (phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) dự kiến vào đúng dịp Lễ Noen tối 24/12.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    60 năm rồi về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO