Bài học lòng dân

Hoàng Mai 30/05/2016 02:17

Tổng Bí thư đã dẫn lại bài học lịch sử của các triều đại phong kiến để nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”- đó chính là sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng, phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. nguồn: nld.com.vn

“Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng… Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên”- phát biểu tại Hội nghị Dân vận toàn quốc diễn ra hôm 27/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đích danh căn bệnh trầm kha mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang mắc phải.

Việc Tổng Bí thư đề cập về chiều hướng chưa có gì cải thiện rõ rệt trong tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc “nói cho dân hiểu” khi mà đảng viên cùng với việc “làm cho dân tin”.

Chỉ có như vậy mới có được niềm tin trong nhân dân. Tổng Bí thư đã dẫn lại bài học lịch sử của các triều đại phong kiến để nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”- đó chính là sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng, phát triển đất nước.

Vì sao bài học lòng dân luôn được ông cha ta nhắc đi nhắc lại trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước và được những thế hệ các nhà cách mạng về sau ghi nhớ như một bài học lớn mà cho đến hôm nay Đảng ta vẫn nhắc lại ngay cả khi đất nước đã thanh bình, người dân đã được hưởng nhiều chính sách quan trọng góp phần bảo đảm cuộc sống, bảo đảm an ninh-an toàn cho toàn xã hội?

Ấy là bởi, thực tế cuộc sống đòi hỏi chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác, ngay cả với chính mình. Thực tế cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải vượt lên chính mình, vượt lên những cám dỗ để hoàn thiện hơn.

Trong một xã hội “bùng nổ”- một xã hội mà nhận thức và trình độ của người dân đã được nâng cao đáng kể; một xã hội mà người dân sẽ không thể chấp nhận mãi cảnh “đặt đâu ngồi đấy” như thời phong kiến xưa; một xã hội mà người dân càng ngày càng vươn lên làm chủ vận mệnh của mình- thì càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vươn lên. Như thế, mới mong dân tin, dân hiểu và dân yêu.

Bằng sự phấn đấu không ngừng của cả dân tộc; trong đó có phần đóng góp rất to lớn của nhân dân, chúng ta đã vượt qua hết thách thức này đến thách thức khác. Những nỗ lực ấy đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta”.

Nhưng, trong hoàn cảnh lịch sử mới, với tính chất, phương thức lãnh đạo mới với những đòi hỏi mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp không thể ngủ quên trong những thắng lợi xưa mà không tìm cách thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Rõ ràng, 5 năm trước khi mới bước vào đầu nhiệm kỳ khóa XI, khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo được một làn gió mới đem lại một hy vọng đổi mới trong nhận thức về phương thức lãnh đạo mới; mục đích là làm sao tránh được tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng.

Rõ ràng, Nghị quyết trong giai đoạn đầu đã đem lại một sinh khí mới nhưng về sau lại có biểu hiện chùng xuống. Điều đó lý giải vì sao, tại Hội nghị Dân vận hồi cuối tuần trước, Tổng Bí thư đã chỉ trực diện thói hư tật xấu của một số cán bộ, công chức, nhân viên khi quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy.’

Ấy có lẽ là bởi, một bộ phận cán bộ đảng viên vẫn có tư tưởng “công thần”; coi trọng những đóng góp nhỏ bé của mình mà không nhận thức rõ không được dân tin, dân yêu làm sao họ có thể làm tốt công việc mà Đảng giao phó. Theo Tổng Bí thư, chính điều đó đã làm mất đi tình cảm của nhân dân, là điều xót xa, buồn phiền nhất.

Nhìn thẳng vào sự thật ấy, Tổng Bí thư cho rằng, phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp uỷ đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hoá, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước.

Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường được mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Bởi, chỉ có thể chính sách “lấy dân làm gốc”, chính sách đại đoàn kết của Đảng ta mới thực sự phát huy sức mạnh, đem lại sự phát triển chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO