Bài toán nhà giá rẻ

Thanh Giang 15/02/2017 09:30

Sau chuyến khảo sát thực tế về đời sống công nhân của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, chương trình xây dựng nhà ở xã hội lại khơi dậy, mổ xẻ. Thế nhưng, không chỉ TP HCM mới là điểm nóng duy nhất. Việc giải quyết vấn đề nhà ở giá rẻ như thế nào vẫn đang là câu hỏi khó trước  nhu cầu cấp thiết của hàng chục vạn hộ gia đình công nhân, người thu nhập thấp ở các đô thị, khu công nghiệp trên cả nước

Nhà giá rẻ vẫn là mong ước của nhiều cư dân đô thị. Ảnh: S.Xanh.

Quá trình công nghiệp hóa với sự phát triển các khu công nghiệp, sự di dân cơ học cùng việc quy họach, chỉnh trang đô thị của các tỉnh/thành trong nhiều năm trở lại đây hình thành nên một tầng lớp người nghèo đô thị. Đặc điểm chung của những công nhân, người thu nhập thấp này là chỉ có thể an cư lạc nghiệp khi có nhà ở giá rẻ phù hợp với thu nhập thấp.

Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đến năm 2020 cả nước cần có khoảng 1 triệu căn hộ đáp ứng nhu cầu các tỉnh như: TP HCM 134.000 căn hộ, TP Hà Nội hơn 110.000 căn hộ, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn hộ,...

Trước tình hình trên, các địa phương nỗ lực thực hiện cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song từ năm 2009 đến nay cả nước chỉ hoàn thành 179 dự án, giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 công nhân và người thu nhập thấp.

Đơn cử, TP HCM, đặc thù của một thành phố công nghiệp có tổng cộng 13 khu chế xuất - khu công nghiệp cùng hàng ngàn doanh nghiệp, gần 300 ngàn lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh tìm đến làm việc chiếm 70%, cho nên nhu cầu nhà ở cho công nhân rất cao.

Tuy nhiên, nỗi khổ dai dẳng của số đông người thu nhập thấp đang làm việc và sinh sống tại thành phố hiện nay là không thể nào sở hữu một căn nhà phù hợp với túi tiền.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), dân số TP HCM lên đến gần 13 triệu người. Qua khảo sát có đến hơn 500.000 hộ chưa có nhà, hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới, có đến 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Chưa hết, số lượng sinh viên tại thành phố khoảng hơn 100.000 người, chưa tính gần 3 triệu người nhập cư rất cần nhà ở tiện ích và an toàn hơn. Thế nhưng các ký túc xá, và các khu lưu trú công nhân chỉ giải quyết chỗ ở được khoảng 13%, còn lại khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, các cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.

Nhìn thấy rõ nhu cầu nhà ở của người dân sinh sống trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh chủ động lên kế hoạch xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thông qua những hỗ trợ đi kèm.

Bằng chứng, khá nhiều doanh nghiệp “xăn tay áo” thực hiện với tinh thần trách nhiệm xã hội. Kết quả các dự án nhà ở xã hội lần lượt chào hàng, đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Song xét một cách kỹ lưỡng thì tổng số nhà ở xã hội hiện hữu vẫn không thấm thía gì so với số lượng lớn nhu cầu người dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường “khát” nhà ở giá rẻ, tiện ích đơn giản vì chương trình đầu tư nhà ở giá rẻ không thu hút đầu tư do lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn lâu. Kế hoạch nhà ở giá rẻ phá sản do nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại hình thành nhưng chủ đầu tư sử dụng chỉ hết 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa nhưng không có kế hoạch dành đất trống, đất sạch xây dựng nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, giá nhà ở quá cao so với thu nhập của công nhân, người nghèo. Đề cập đến chương trình nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mức giá hiện nay quá cao so với thu nhập của công nhân, người nghèo.

Đa số người dân có nhà ở là nhờ vào tiết kiệm hoặc vay mượn. Còn có 80% người dân có nhu cầu nhà ở đều muốn có nhà ở giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả nhưng xem ra khó khăn.

Các chuyên gia bất động sản cũng khẳng định, nếu nhà ở giá rẻ ở mức 9,7 triệu đồng/m2 thì những người có thu nhập từ 5 – 14 triệu đồng/tháng không thể chạm tay tới nhà ở xã hội. Do chi phí nhà ở đã mất 30% trên tổng thu nhập mặc dù diện tích nhà rất nhỏ, từ 19 - 55m2. Với mức giá như hiện nay chỉ có những người thu nhập gần 32 triệu đồng/tháng mới có thể mua được căn hộ trên 100m2.

Thời gian qua thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang vận hành một cách ổn định cùng chủ trường phát triển nhà ở giá rẻ. Nhà nước thiết lập cơ chế linh hoạt đa dạng về nguồn cung nhà ở giá rẻ thông qua việc cho phép phân lô diện tích nhỏ (25m2), có chính sách tăng diện tích sàn để tăng diện tích sử dụng, sáp nhập và tăng mật độ các làng ven đô vào khu đô thị, phát triển vùng ven bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thế nhưng, trong quá trình triển khai chương trình nhà ở, giới doanh nghiệp liên tục bức xúc về chính sách giải phóng mặt bằng chậm, nhiêu khê với thủ tục xây dựng, tiền thuế đất cao. Để giải bài tóan nhà ở giá rẻ, cần các quy định đồng bộ với sự quan tâm chủ động tham gia nhiều hơn của các cấp chính quyền. Vai trò của Nhà nước không thể đứng ngoài chủ trương này trước “cơn khát” nhà ở giá rẻ tiếp tục kéo dài.

Theo các chuyên gia, cần có những quyết sách hỗ trợ cụ thể về đất đai, nguồn vốn, thủ tục… sau đó các tỉnh – thành vận dụng sao cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương nhằm hướng đến nhà ở giá rẻ chất lượng, phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp. Có như vậy mới hy vọng sớm giải bài tóan nhà ở giá rẻ, tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị, các khu công nghiệp hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán nhà giá rẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO