Đồng lòng cùng hành động

Bắc Phong 22/05/2020 08:10

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ngày 20/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta đã từng chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19; nay cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch thì việc phục hồi, phát triển kinh tế là rất quan trọng. Với tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba trong thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng lòng cùng hành động

Việc phục hồi, phát triển kinh tế là rất quan trọng. Ảnh: Quang Vinh.

Đại dịch Covid-19 tác động xấu tới toàn thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%.Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu giảm từ 13 - 32%; dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sụt giảm 30 - 40%. Đó thực sự là một thách thức mang tính toàn cầu.

Việt Nam cũng không ngoài vòng xoáy đó, trong khi nền kinh tế của ta hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn và cũng là những thách thức lớn; trong khi tình hình Biển Đông lại có những diễn biến phức tạp.

Cho tới thời điểm này, nền kinh tế của chúng ta đã bị tổn thương. Quý I, sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và chúng ta lại đang phải đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải. Trong khi đó, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%...

Trong khó khăn chồng chất ấy, chúng ta vẫn phải bật lên để phục hồi và phát triển. Không thể để tình trạng đình trệ kéo dài. Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp. Cùng đó là gói 62.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng nghèo, khó khăn. Đó là những nỗ lực rất lớn để phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Trên tinh thần đồng lòng như cả nước đã đồng lòng chống dịch, nay cả nước cùng quyết tâm đồng cam cộng khổ để phát triển kinh tế. Cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây đã cho thấy điều đó. Hiện không phải là lúc “kể khổ”, mà phải trực diện nhìn vào khó khăn và đưa ra giải pháp, cùng quyết tâm để vượt khó. Trong hội nghị ấy, Thủ tướng đã nói rất rõ rằng lúc này không được có thái độ “quyền anh, quyền tôi”, mà phải cùng nhau hành động. Cũng không để virus trì trệ trong chính chúng ta cản trở phát triển.

Thực tế cho thấy, từ khi giãn cách xã hội được nới lỏng, tới nay đã gần 40 ngày Việt Nam không xuất hiện ca Covid-19 mới trong cộng đồng, thì kinh tế - xã hội đang dần từng bước hồi phục. Chúng ta vui mừng nhận thấy du lịch những ngày qua đã có sự khởi sắc, với tinh thần “người Việt Nam du lịch Việt Nam” trong khi khách nước ngoài chưa thể trở lại như trước dịch. Cùng đó, hàng loạt ngành đã nhận phần thiệt về mình để đưa tới cái lợi chung cho toàn xã hội. Đó chính là sự tiếp sức rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, rất đáng được ghi nhận.

Điều thật sự đáng mừng là tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm. Điều đặc biệt quan trọng là an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân.

Nay chính là lúc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Nhưng, như Thủ tướng nói, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. “Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước”-Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương sẽ nỗ lực hết sức mình, tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, chủ động giải quyết hiệu quả hơn những khó khăn, vướng mắc… đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh.

Chúng ta đã cơ bản chiến thắng trong “cuộc chiến thứ nhất”- phòng, chống dịch Covid-19; thì nay là lúc quyết liệt với “cuộc chiến thứ hai”- khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; trong lúc “cuộc chiến thứ nhất” chưa hoàn toàn thắng lợi. Đây chính là thời điểm thử sức, thời điểm “lửa thử vàng”, với niềm tin sức bật lò xo dồn nén, thì nay sẽ bật lên mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng lòng cùng hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO