Gay gắt đồng lương

Nam Việt 07/08/2015 07:35

Người lao động thu nhập thấp trông chờ từng ngày được tăng lương, còn người phải “móc hầu bao” lại cố tình trì hoãn, “trả giá” thấp. Âu đó cũng là cái lý cái lẽ của mỗi bên. Nhưng, quan trọng là cái lý, cái lẽ nào đúng?

Người lao động đang chờ “phán quyết” cuối cùng từ Hội đồng Lương quốc gia.

Chiều 5/8, giới truyền thông “săn” các đại diện họp về vấn đề nâng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016 đã bất ngờ khi Hội đồng Lương quốc gia chưa “chốt” được mức nâng lương lần tới và công bố tạm hoãn cuộc họp này. Chuyện lương hóa ra không chỉ nóng với người lao động thu nhập thấp, mà nóng với cả giới doanh nhân; nóng với người đứng về phía người lao động mà cũng nóng với người sử dụng lao động. Nói đúng ra giới chủ bực mình nếu phải nâng lương cho người lao động. Thế là lại phải đợi thêm 2 tuần nữa may ra mới có kết quả.

Trước đó, thông tin đại diện cho giới sử dụng lao động (giới chủ) chỉ đề nghị lần tăng tới vào quãng 6-7%. Nhưng rồi, suy đi tính lại, VCCI đã “mạnh dạn” đưa ra đề nghị tăng 10%. Đây được coi là sự nhân nhượng của khối doanh nghiệp, nhưng lập tức đã bị phản ứng gay gắt từ phía những người bảo vệ người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mức tăng là 16,5%. Như vậy, tính trung bình, nếu công nhân 1 tháng được lĩnh 5 triệu đồng lương, thì nếu tăng 16,5% sẽ được thêm từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng; ngược lại nếu tăng 10% thì chỉ thêm được trên dưới 200.000 đồng.

Bên nào cũng có cái lý và cố giữ cái lý của mình. Đại diện người sử dụng lao động cho rằng, lạm phát năm nay thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hầu như tăng không đáng kể, nên lộ trình tăng lương phải thực hiện nhưng không thể quá cao. Thêm nữa, khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều, số doanh nghiệp phá sản vẫn gia tăng, cho thấy tình hình kinh tế chưa thật sáng sủa, nên chỉ có thể tăng lương mức độ thấp. Nếu tăng cao doanh nghiệp sẽ khó khăn.

Một giám đốc doanh nghiệp may cho biết, nếu tăng 16% lương thì doanh nghiệp sẽ mất 25% lãi. Còn theo VCCI, tới thời điểm này các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong đó gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. 7 tháng đầu năm 2015 đã có 37.829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng ký năm ngoái, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống.

Vẫn theo VCCI, trong bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian. Đó là những lý do chỉ có thể tăng ít lương.

Tuy nhiên, sự đáp lại của đại diện quyền lợi người lao động là khá hùng hồn và thực tế. Trước hết, tình hình kinh tế khá lên là điều không thể phủ nhận. Trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài chính, tiền tệ đều cho thấy sự khởi sắc. Và đặc biệt quan trọng là thu nhập của người lao động thấp, không đủ chi tiêu, thì cần phải nâng lương cho họ ở một tỉ lệ phù hợp- tuy vẫn ở mức thấp. Không thể nói rằng “chúng tôi vì doanh nghiệp nhưng cũng vì người lao động mà lại cò kè một hai đồng”- một đại diện người lao động bức xúc.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động nhấn mạnh, lộ trình tăng lương tối thiểu, làm sao đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mức tăng 16,5% là đã được nghiên cứu trên cơ sở lạm phát, nhu cầu tối thiểu của cả các gia đình... Vì vậy, không thể đồng tình với VCCI khi chỉ đề nghị tăng lương tối thiểu 10%.

Ở đây, có sự vênh nhau giữa quyền lợi người sử dụng lao động và người lao động, hay nói một cách khác là giữa giới chủ và người làm thuê. Tiền trong túi giới chủ, quyền trong tay giới chủ, tuy rằng họ vẫn phải chịu sự điều chỉnh của chính sách, pháp luật. Người lao động thu nhập thấp trông chờ từng ngày được tăng lương, còn người phải “móc hầu bao” lại cố tình trì hoãn, “trả giá” thấp. Âu đó cũng là cái lý cái lẽ của mỗi bên. Nhưng, quan trọng là cái lý, cái lẽ nào đúng?

Sự chênh lệch lớn khi nâng lương theo tỷ lệ này hay tỷ lệ kia khiến đại diện hai giới chủ/thợ căng thẳng với nhau. Người lao động ở giữa lại phấp phỏng chờ đợi. Không người lao động nào muốn nâng lương ít, và cũng không có ông chủ nào muốn trả lương nhiều cho thợ. Đó là mâu thuẫn tất yếu. Vì thế, ở đây cần có sự “cầm cân nảy mực” của Nhà nước, mà cụ thể là của Hội đồng Lương quốc gia.

Khi mà bên nào cũng có và cũng giữ cái lý của mình, thì phải cần đến trọng tài. Trọng tài phải công tâm, phải lắng nghe, phải nghiên cứu đầy đủ lý lẽ của cả hai bên; phải áp vào thực tế để tìm ra đâu là sự thật, đâu là điều cần thiết. Nâng lương cao để đến nỗi doanh nghiệp thua thiệt, thu hẹp sản xuất, người lao động “ra đường” thì không nên. Nhưng nếu tăng lương thấp, khiến đời sống vất vả của người lao động không được cải thiện, dẫn đến những tệ nạn và hệ lụy không đáng có; kể cả việc đình công thì lại càng không thể.

Việc nâng lương vào thời điểm đầu năm 2016 tới không chỉ dựa vào thực tế thu nhập- chi tiêu hiện nay mà còn phải tính đến cả thời điểm lúc tăng lương. Nói như ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì, thời điểm cuối năm bao giờ giá cả cũng đắt đỏ, nhu cầu chi tiêu tăng cao. Vì thế, phải tính cả tỉ lệ nâng lương cho thời điểm đó. Theo ông Lợi, tăng khoảng 12% là hợp lý.

Hẳn nhiều người chưa quên, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về việc thu nhập của người lao động, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) cho rằng, với cử nhân mới ra trường đi làm, thu nhập bình quân mỗi tháng 10 triệu đồng mới đủ. Đó là một thực tế. Vì rằng, họ không chỉ có ăn mặc, mà còn phải thuê nhà, phải trang trải rất nhiều món “không tên”, chưa nói đến tích lũy. Khi người lao động được trả công tương xứng với công việc, với đóng góp của mình thì họ mới có thể làm việc tốt. Điều đó ai cũng hiểu, nhưng có thực hiện không lại là vấn đề khác.

Câu chuyện đồng lương vốn đã gay gắt và sẽ vẫn tiếp tục gay gắt. Bên này được thêm quyền lợi thì bên kia sẽ bị giảm. Vì thế, “thiên hạ” lại phải đợi 2 tuần nữa khi Hội đồng Lương quốc gia ra “phán quyết”. Và dĩ nhiên, ai cũng muốn được tăng thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gay gắt đồng lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO