Khoảng trống trách nhiệm

Kiên Long 24/08/2016 13:10

Dư luận người dân đã đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, trong suốt một thời gian dài để tìm ra nguyên nhân, làm rõ hiện trạng sau sự kiện Formosa (Hà Tĩnh) xả thải gây hậu quả hết sức nặng nề: ô nhiễm biển, hải sản nhiễm độc, cá chết, ngư dân khốn đốn. Các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm lại vừa họp đưa ra công bố: Biển đã an toàn.

Vậy là thủ phạm đã được vạch ra, cúi đầu chịu trách nhiệm, biển đã đang hồi sinh. Tuy nhiên còn đó, một khoảng trống trách nhiệm của nhiều cơ quan, cá nhân chưa được làm rõ, xử lý nghiêm minh.

Với bất cứ sự việc lớn nhỏ nào khi đã gây ra hậu quả, để lại hậu quả đều cần phải làm rõ, xử lý nghiêm. Từ xưa đến nay, pháp luật nói chung, nhất là pháp luật hình sự đặc biệt coi trọng chế tài xử lý. Mọi hành vi, tùy theo cấp độ, mức độ gây hậu quả mà có các khung hình phạt khác nhau. Bởi nếu pháp luật không được giữ nghiêm, vi phạm không được xử lý đến nơi đến chốn, không răn đe đến nơi đến chốn, kẻ vi phạm từ đơn vị cho đến cá nhân sẽ càng coi thường, sẽ lại tiếp vi phạm, sẽ lại gây hậu quả. Không ít hậu quả sau sẽ lại càng lớn hơn, nguy hiểm hơn.

Nhìn lại vụ việc Formosa, hậu quả gây ra thật không thể tính đếm được. Hậu quả trực tiếp, gián tiếp, hiện tại, tương lai trên mọi lĩnh vực; từ vật chất cho đến tinh thần đều hết sức nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ một địa phương, như với con số 2.939 chiếc tàu thuyền có công suất nhỏ ở Thừa Thiên- Huế bị ảnh hưởng, một nửa hiện vẫn nằm bờ đã cho thấy “sự cố” ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là ngư dân như thế nào. Biển an toàn cũng là trong một số vùng, các bãi tắm. Nhưng còn nhiều khu vực vẫn còn phải tiếp tục theo dõi đặc biệt. Cho đến nay, những câu hỏi: Hải sản đã an toàn hay chưa? Việc nuôi trồng thủy sản đã an toàn hay chưa vẫn còn đang để ngỏ.

Ghi nhận sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân, nêu ra thực trạng vụ việc. Nhưng những câu hỏi, yêu cầu của người dân về làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm cơ quan, cá nhân vẫn còn đó. Để xử lý trách nhiệm cũng cần làm rõ nguyên nhân, thực trạng trong công tác quản lý - nguyên nhân sâu xa gây ra cái sự cố môi trường kia. Ngoài vụ án chôn lấp chất thải của Formosa được khởi tố, thì những vấn đề cốt lõi về nguyên nhân, lỗ hổng, trách nhiệm và việc xử lý chưa được chỉ ra cụ thể. Nếu như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chưa quy rõ cụ thể, không được xử lý rốt ráo, không rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu thì vô hình trung lại là tiếp tay, dung dưỡng cho sai phạm, cho kẻ phạm tội.

Trước cử tri, đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Sự kiện Formosa là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài mà Việt Nam quyết không để tái diễn. Xung quanh câu chuyện “tiếp nhận và quản lý” này, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều chất vấn, đòi hỏi trách nhiệm, và ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận có liên đới quá trình đầu tư của Formosa. Như ĐBQH Trần Công Thuật (Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình) nêu: Người dân đang mong chờ những xử lý kiên quyết của Chính phủ với những cá nhân có trách nhiệm để xảy ra thảm họa này. Hay đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh: Việc xử lý trách nhiệm không chỉ với người còn đương chức mà ngay cả những người không còn tại vị.

Để xử lý trách nhiệm, để không thể xảy ra tái diễn kiểu sự cố Formosa, rõ ràng cần phải làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể. Với trách nhiệm cụ thể của mình, Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi, đã đưa ra các cam kết bồi thường, hỗ trợ, cam kết không tái diễn...và như cơ quan chức năng nêu, việc khởi tố vụ án hình sự hay không, cần cân nhắc, căn cứ vào thái độ của nhà đầu tư, chính sách khoan hồng, độ lượng của Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Còn với các cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm liên quan trong nước, càng rất cần phải làm rõ, xử lý nghiêm như ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Không chỉ những người có trách nhiệm trực tiếp, trọng trách lớn. Nhiều khi vai trò, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân tham mưu, giúp việc, thực thi cấp dưới càng phải được coi trọng. Người ta từng đặt câu hỏi: Nếu như cơ quan thanh tra, giám sát công trình của Công ty TNHH Gang thép và Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh này làm hết trách nhiệm thì có thể đã không xảy ra sự cố môi trường, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói trên?

Một công trình, dự án từ khi thiết kế, hình thành, đưa vào sản xuất đều phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đã có bao bài học chỉ sơ xuất một khâu, một công đoạn, một mắt xích là gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ một cái ắc neo làm không đảm bảo chất lượng đã làm sập cả một cây cầu treo, gây án mạng cho hàng chục con người. Với một dự án lớn, đặc biệt quan trọng như Dự án Nhà máy Gang thép Formosa Hà Tĩnh càng yêu cầu cao về trách nhiệm. Trách nhiệm giám sát khi thiết kế, khi thi công, khi vận hành...Những dư luận, vấn đề đặt ra như vào đầu tháng 4/2016, Formosa đã có đến 7 lần gửi thông báo vận hành thử nghiệm các dây chuyền nhưng Tổng cục Môi trường không phản hồi, hay sau khi thảm họa xảy ra mới có phản hồi cũng rất cần phải làm rõ. Ngay trước đó, từ năm 2015, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra, nhưng không hề phát hiện vi phạm. Sự không phát hiện do trình độ của các quan chức dạng “30% không làm được việc”, hay vì tắc trách, chỉ làm cho có lệ, làm trong nửa ngày như dư luận đã nêu?

Và như vậy, vấn đề cho thấy, rất cần phải thanh tra, điều tra toàn diện, cần thiết phải khởi tố vụ án làm rõ. Không thể cứ kiểu kiểm điểm chung chung, “xin rút kinh nghiệm”, hay “tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách”… rồi lại hòa cả làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO