Lắng nghe để điều chỉnh

Nam Việt 24/04/2017 09:10

Gần đây, đề xuất cấm (hoặc hạn chế) xe máy tại các thành phố lớn đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều giới, nhiều tầng lớp nhân dân. Chưa nói đến chủ trương đó đúng hay sai nhưng cho thấy việc tham khảo ý kiến người dân là rất tốt. Thêm nữa, việc người dân mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình lại cũng rất tốt. Nếu chủ trương nào cũng vậy thì chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận, rộng rãi.

Cách đây chưa lâu, TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - thực trạng và giải pháp”. Sở dĩ có hội thảo này là nhằm tìm ra giải pháp chống nạn ùn tắc giao thông, cũng như để thành phố phát triển theo hướng xanh- sạch- đẹp, môi trường được bảo vệ.

Ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Những ý kiến đưa ra tại Hội thảo là rất đáng chú ý, kể cả ý kiến đồng tình hay không đồng tình về việc “đưa ra lộ trình loại bỏ xe máy ra khỏi đời sống xã hội”.

Nói như PGS.TS Phạm Xuân Mai thì phải cấm xe máy, không đem cái nghèo ra dọa nhau mãi. Vị PGS nói: “Tôi có cảm giác chúng ta sợ dư luận, sợ (người đi) xe máy quá. Nên thay vì nói là cấm xe máy thì cứ rón rén nói vòng quanh như kiểm soát xe gắn máy”.

Ông Mai cũng cho biết, TP.HCM là nơi có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân. Con số này ở Hà Nội là 653; Bangkok (Thái Lan) 265; Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160. Ông Mai cũng không quên cáo buộc “xe máy là kẻ chiếm đất” dành cho giao thông.

Theo cách tính toán của ông Mai thì khi lưu thông, một người đi bộ chiếm 0,75m2/người; người đi xe đạp chiếm 6,7m2/người trong khi người đi xe máy chiếm đến 12m2/người.

Ông Mai cũng cho rằng xe máy là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất... Tất cả những con số, lập luận ấy để dẫn tới một điều, theo ông Mai, là “Đã đến lúc chúng ta đừng nói, đừng bàn nhiều nữa. Tôi hi vọng đây là lần cuối cùng thành phố tổ chức hội thảo về nội dung này. Phải bắt tay vào thực hiện ngay”.

Với Hà Nội, câu chuyện xe máy cũng rất nóng. Còn nhớ, cuối tháng 10-2016, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí , Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết giao thông là sức ép rất lớn đối với Hà Nội.

Hà Nội có khoảng 5,5 triệu xe máy, tỷ lệ gia tăng gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của thành phố chỉ gần 4%/năm.

Do đó, việc cấm xe máy sẽ diễn ra nhưng lãnh đạo thành phố cho biết việc đó có lộ trình để người dân có thời gian chuẩn bị. Ông Hải cho biết, Dự thảo đề án dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội đô, nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, có khả năng lùi đến năm 2030. Nghĩa là người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, trong khi thành phố cũng có thời gian hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.

Trước những dự thảo đề án kể trên, cùng với ý kiến “cấm” thì cũng có nhiều ý kiến “không”- với những lí do xác đáng, thực tế. Nhưng như đã nói, khoan hãy bàn đến việc ai đúng ai sai, nhưng khi các ý kiến đều có cơ hội trình bày công khai là một dấu hiệu rất tốt của đời sống xã hội.

Không còn những “đề án trên trời” nữa; không còn cái lối áp đặt, duy ý chí, bất chấp thực tế, không tôn trọng người dân. Với đề án loại bỏ xe máy chẳng hạn, người dân vừa là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh cũng lại là đối tượng thụ hưởng (nếu đề án tốt). Vì vậy, tiếng nói “người trong cuộc” cần phải được lắng nghe. Không ít đề án không công bố rộng rãi, không nghe dân đã sớm thất bại- đó là những bài học rất cần phải được nghiền ngẫm.

Nhân đây, cũng xin dẫn ra thêm một hai ví dụ nữa về việc “trình đề án ra trước bàn dân thiên hạ”, của ngành giáo dục. Trước hết, đó là Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, công bố tháng 4-2017. Ngay lập tức đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, chuyên gia và cả phụ huynh học sinh.

Giáo dục là lĩnh vực tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Bất kể giàu nghèo, bất kể ở thành thị hay hải đảo xa xôi, vùng núi non cao vời vợi..., thì nhà nào cũng có con em đi học.

Do đó, mỗi chủ trương của ngành này đưa ra đều tác động tức thì cũng như rất lâu dài. Việc nhiều người tham gia ý kiến là đúng, để cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, điều chỉnh cho sát với thực tế đồng thời cũng là theo hướng phát triển bắt nhập với xu thế chung của thế giới.

Một chủ trương nữa cũng được sự đóng góp ý kiến rộng rãi, đó là Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh Tiểu học. Ý kiến ngược - xuôi đều có cả, mọi người đều thành tâm với giáo dục, mong muốn con em mình ngay từ bậc học đầu tiên đã được “đặt trên đường ray đúng” để phát triển lâu dài, thuận lợi.

Nói tóm lại, cả hai chủ trương kể trên của Bộ GD-ĐT khi công khai trước dân đều thu được những kết quả tích cực, đó là thêm ý kiến để cân nhắc, xem xét trước khi quyết định.

Khía cạnh tốt là vậy, nhưng điều quan trọng hơn đó chính là sau khi lắng nghe thì có tiếp thu cái đúng, cái tốt không, hay vẫn “bỏ ngoài tai”, vẫn “duy ý chí”, vẫn quyết những điều không thực tế, khác lạ với lợi ích cộng đồng. GS Nguyễn Lân Dũng khi bàn về đổi mới giáo dục từng nói “Muốn đổi mới, ngành giáo dục phải biết lắng nghe”.

Ở đây, xin được thêm rằng, không chỉ ngành giáo dục mà với tất cả các ngành, các lĩnh vực khác, cùng với việc lắng nghe còn cần đến quyết tâm điều chỉnh mình theo cái đúng. Có như vậy, ý kiến và cũng là trí tuệ, là mong mỏi của xã hội mới không bị hoài phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe để điều chỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO