Luật pháp phải được tôn trọng

Hữu Nguyên 06/06/2015 12:13

Trung Quốc luôn tuyên bố mình là một quốc gia có trách nhiệm, thế nhưng hành động khẩn trương xây dựng, bồi lấp với quy mô chưa từng có tiền lệ gần đây của Trung Quốc tại hàng loạt bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, khiến người ta phải hiểu ngược lại.

Luật pháp phải được tôn trọng

Đảo Sinh Tồn Đông trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter mới đây đã cảnh báo việc Trung Quốc khẩn trương xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông làm xói mòn an ninh khu vực và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về quy mô xây dựng của Trung Quốc, cũng như khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo này trên Biển Đông.

Phát biểu của ông Carter được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận Trung Quốc đã bố trí pháo hạng nặng trên hai trong các đảo mà nước này đang bồi đắp. Thông tin này càng gây thêm quan ngại cho an ninh khu vực, củng cố thêm các nghi ngờ về mục đích quân sự của Trung Quốc khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới đã lên tiếng phản đối bất kỳ hình thức quân sự hóa nào đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động cải tạo đảo vì những hành động đó vi phạm các thỏa ước về an ninh châu Á -Thái Bình Dương, cũng như vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-la - Singapore (SLD) mới đây, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng: “Trung Quốc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông là phù hợp các chuẩn mực quốc tế, là hợp pháp và hợp lý “. Ông Tôn còn cho biết, ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, thì những cơ sở này thiên về mục đích thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc như cứu hộ, cứu nạn, quan trắc khí tượng. Theo ông Tôn, Trung Quốc đã kiềm chế rất nhiều trong tranh chấp Biển Đông và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Tôn cũng cho biết Trung Quốc đang để ngỏ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào việc “liệu an ninh hàng hải, hàng không của Trung Quốc có bị đe dọa hay không”- ông Tôn nói. Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh hôm 27-5-2015 cũng đã nêu khả năng lập ADIZ tại Biển Đông.

Trong một động thái được dư luận quốc tế cho là chỉ trích thẳng vào Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc mới đây cho rằng: “Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện quân sự và hệ thống đồng minh quân sự tại khu vực. Nhật Bản tích cực tìm cách thoát khỏi thể chế sau Thế chiến thứ 2, điều chỉnh mạnh chính sách an ninh quân sự”... Sách Trắng lưu ý: “Một vài nước cá biệt có hành động khiêu khích trên vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc”. Từ đó, Sách Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng “lợi ích và an ninh viễn dương” của Trung Quốc để định hướng xây dựng hải quân với tầm hoạt động vươn ra nước ngoài, với phạm vi toàn cầu. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã ngang nhiên khởi công xây dựng hai ngọn hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam mà nước này chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1988.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen phát biểu tại SLD nói rằng nước Đức để có được sự phồn vinh cần 3 yếu tố: an ninh, tự do và trật tự. Tự do mà bà Bộ trưởng đề cập ở đây bao gồm cả tự do thương mại, tự do hàng hải. Nhờ điều này mà người Đức có thể sang tận Thượng Hải hay California… để buôn bán. An ninh có nghĩa là phải giữ được hòa bình, môi trường thuận lợi cho phát triển và mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác. Còn trật tự chính là luật pháp phải được tôn trọng. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, điều đó rất đúng. Khu vực Biển Đông, châu Á - Thái Bình Dương hay nói rộng ra toàn cầu cũng cần những yếu tố như vậy. Trong khi đó, các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông bị dư luận quốc tế cho rằng đang “lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế vốn tăng cường kiến trúc an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao để kiến tạo hòa bình, phản đối bắt nạt và đe dọa kiểu nước lớn”. Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, hàng không để tham gia thương mại toàn cầu không bị hạn chế hay cản trở. Các quốc gia cũng có quyền được lựa chọn, quyết định chính sách kinh tế và an ninh của riêng họ mà không bị cưỡng chế hay ép buộc bởi một quốc gia khác. Tự do hàng hải, hàng không hay tự do thương mại không phải là đặc quyền của bất kỳ một quốc gia nào để họ có thể tùy ý cấp cho hay thu hồi đối với các quốc gia khác.

Về tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” trên diện tích chiếm hơn 80% Biển Đông, thông qua “đường lưỡi bò” 9 đoạn của Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng: “Chính điều đó làm nóng SLD. Và đến năm nay thì càng nóng hơn, khi mà ngay trước thềm lẫn trong khi diễn đàn diễn ra, Trung Quốc xây dựng dồn dập các đảo nhân tạo ở Trường Sa”. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, “ngay khi Diễn đàn (SLD) mở họp thì có tin Trung Quốc đưa vũ khí ra những đảo này. Rõ ràng, nếu ở đó mà có vũ khí thì ai cũng lo ngại là đúng. Mối lo đó được thể hiện trong tất cả các bài phát biểu của mọi diễn giả, kể cả trong phiên toàn thể lẫn các phiên họp chuyên đề song song. Tất cả các ý kiến đều xoay quanh 2 khía cạnh: một là lo ngại hành động phi pháp, vô hiệu hóa luật pháp quốc tế của Trung Quốc; hai là bày tỏ mong muốn rất chính đáng, rằng tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và đối thoại”.

Thực tế là, trong nhiều năm qua, ngư dân cùng nhiều tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động hợp pháp trên Biển Đông thuộc chủ quyền nước mình liên tục bị các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc quấy rối, đe dọa, hành hung, phá hủy, tịch thu phương tiện, tài sản thậm chí bị bắt giữ, hành hạ, đòi tiền chuộc hay sát hại. Năm ngoái, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa dàn khoan HD 981 xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng với hàng trăm tàu bè hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, gây bức xúc dư luận. Hành động khẩn trương xây dựng đảo nhân tạo với tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc trên Biển Đông mới đây cùng với thái độ cảnh cáo, xua đuổi tàu bè, máy bay qua lại trong khu vực quốc tế mà Trung Quốc tự gọi là “vùng báo động quân sự”, thực sự gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế về an ninh, an toàn và tư do thương mại, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật pháp phải được tôn trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO