Nối những bờ vui

Nam Việt 20/07/2015 10:00

Thế là sau bao nhiêu ý kiến, bao nhiêu đề xuất, thì nay cây cầu Long Biên đã chính thức đi vào khôi phục giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020), với kinh phí gần 300 tỷ đồng. Cây cầu 112 năm tuổi bắc qua sông Hồng đã đi sâu vào ký ức nhiều thế hệ người Hà Nội, với những kỷ niệm vui buồn, nỗi nhớ nhung khi đi xa và sự ấm lòng ngày trở lại. Từ việc này, người ta lại nghĩ tới biết bao cây cầu trên đất nước mình- một đất nước nhiều sông suối.

Cầu Long Biên được đầu tư 300 tỷ đồng để sửa chữa giai đoạn 1.

Đất nước nhiều sông suối, để nối lại đôi bờ thì chỉ có những cây cầu. Vì thế, cho tới nay, chúng ta đã sở hữu một hệ thống cầu có thể nói là rất đáng tự hào. Càng ngày, những cây cầu lớn vượt sông lại xuất hiện nhiều hơn, mang vóc dáng hiện đại, không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh mà còn là biểu tượng, niềm tự hào của những vùng quê.

Cùng với cầu Long Biên, người ta còn biết nhiều cây cầu nổi tiếng khác. Đó là cây cầu mới Nhật Tân cũng vươn mình qua đôi bờ sông Hồng. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, tổng chiều dài 8,3 km; trong đó phần cầu dài 3,7 km, phần vượt sông 1,5 km, với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. 6 năm xây dựng, 14 ngàn tỷ đồng được bỏ ra, cây cầu đã tạo thêm một điểm nhấn cho thủ đô. Ở Đà Nẵng, cầu Rồng được biết đến trong tư cách đạt nhiều giải thưởng nhất nước. Cầu có chiều dài 666 m, gồm 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, được thành phố Đà Nẵng đăng ký kỷ lục Guinness “Con rồng thép dài nhất”. Cầu Rồng được giải thưởng quốc tế FX Design Awards 2013 và được Lighting Design Awards 2014 bầu chọn vào danh sách các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc của thế giới.

Đưa công nghệ tiên tiến vào xây dựng cầu, chúng ta thêm những cây cầu dây văng rất hiện đại, và đẹp. Trong đó có thể kể đến cầu Phú Mỹ (TP.HCM) bắc qua sông Sài Gòn; Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục; Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long; Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long; Cầu Rạch Miễu bắc qua hai nhánh sông Tiền Giang và cồn Thới Sơn, là cây cầu dây văng đầu tiên do chính chúng ta thiết kế và thi công…

Một cây cầu nổi tiếng nữa cũng do chúng ta tự thiết kế và thi công là cầu Pá Uôn, đây cũng là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam. Cầu nằm trên Quốc lộ 279 vượt qua hồ sông Đà (thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Cầu có tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m, gồm 2 mố và 11 trụ, trong đó trụ chính của cầu cao tới 98,6m. Chiều cao toàn bộ cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m.

Có thể còn kể tới nhiều cây cầu “danh giá” khác, tuy nhiên chúng ta cũng không nên quên nhiều nơi vẫn chưa có cầu. Đó là nơi núi cao rừng sâu với những con suối lành dữ thất thường. Vào mùa mưa, nước ầm ầm như thác, người dân hai bên bờ bị ngăn cách, nhiều tại nạn thương tâm xảy ra. Những nơi có cầu thì hầu hết cũng đã già nua, không còn chịu đựng nổi nhịp điệu của cuộc sống hôm nay. Mỗi khi lũ về, cây cầu lại xiêu vẹo, bong tróc, có thể bị dòng nước dữ cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Cũng ở nhiều nơi, người dân vẫn phải vượt qua con nước bằng những chiếc cầu tre, cầu treo, cầu khỉ, kể cả bằng cách đu dây vô cùng nguy hiểm. Đã có những cây cầu lớn thì cũng rất cần những cây cầu bé nhỏ ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Nơi đây chưa phát triển lại bị cách bức bởi giao thông vì thiếu những cây cầu, thì việc thoát nghèo vươn tới khá giả lại càng khó khăn. Vòng luẩn quẩn đó phải được tháo gỡ, không thể để nó như một cái vòng tròn không có điểm đầu mà cũng chẳng có điểm cuối. Đầu tư cho những chiếc cầu lớn là đúng, nhằm tăng tốc phát triển kinh tế đất nước nhưng cũng không thể vì thế mà quên đi những nơi nghèo khó người dân đang cần những chiếc cầu dân sinh.

Nối những bờ vui, đó là những cây cầu. Vì thế, cùng với niềm vui lớn thì cũng phải đủ đầy những niềm vui bé nhỏ. Để cho nơi nào cũng có niềm vui, dòng sông, dòng suối nào cũng được nối lại bờ vui bằng những cây cầu.

Lại một mùa mưa lũ đã đến rất gần, càng thương những em nhỏ hàng ngày vượt suối đến trường, thương những bà mẹ lưng còng với gánh hàng trên vai bước chân ngập ngừng trên những cây cầu xiêu vẹo... Nơi đó, hai bờ vẫn chưa được nối bằng những niềm vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nối những bờ vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO