Ốm... tiền

Lê Anh Đức 25/05/2017 09:00

Khái niệm “ốm tiền” nghe thật mới và thật xa lạ, song nó lại đang là thực trạng đáng buồn trong việc chi trả BHYT ở không ít địa phương hiện nay. Theo báo cáo mới nhất của BHXH Việt Nam, giờ đây người ta không chỉ đi khám chữa bệnh khi ốm thật, mà còn “ốm” khi có người thuê đi khám bệnh để rút ruột BHYT. Và đương nhiên cái sự “ốm” này đã dẫn đến hệ lụy là quỹ BHYT vốn dĩ không được khỏe thì nay ngày càng ốm yếu để rồi tới một lúc nào đó vỡ quỹ, mất cân đối không thể chi trả cho những người nai l

Ảnh minh họa.

Việc trục lợi BHYT diễn ra hết sức tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn thiên hình vạn trạng. Người ta không chỉ bịa ra các lần khám chữa bệnh “ma”, mà còn nâng khống giá trang thiết bị vật tư máy móc, giá thuốc để rút ruột BHYT.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, qua 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có tới gần 2.800 người có số lượt khám bệnh trung bình từ 50 lần, có trường hợp khám tới 123 lần. Có những người chẳng có việc gì làm ngoài việc... đi khám.

Theo đó, không ít người đi khám tới 2-3 lần/ ngày, thậm chí khám chữa bệnh cả trong những ngày nghỉ tết, nghỉ lễ dù không phải là trường hợp cấp cứu. Hài hước hơn nữa là theo như yêu cầu thanh toán BHYT của một số cơ sở y tế thì có những bệnh nhân được cấp tới 300 viên, tuýp thuốc các loại để điều trị trong... một ngày.

Có người vui tính đã đùa rằng: Một người trong một ngày uống và xoa tới 300 viên, tuýp thuốc mà vẫn còn sống được thì sẽ trở thành kỷ lục guiness của thế giới, chứ không còn chỉ ở riêng Việt Nam nữa.

Thông thường “ăn vụng phải biết chùi mép”, song với việc chi trả BHYT như hiện nay thì những cá nhân, đơn vị có ý định “ăn vụng” tiền của quỹ BHYT lại đang chẳng cần phải “chùi mép”. Người ta ngang nhiên, công khai trục lợi BHYT mà không cần phải giấu giếm ý định đó qua các phiếu yêu cầu thanh toán.

Truy theo dấu vết khám chữa bệnh của một bệnh nhân nữ, BHXH phát hiện bà này thường xuyên đi khám 2-3 lần/ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn TP HCM, do mắc hầu hết các bệnh có thể liệt kê được: Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý xương khớp, bệnh lý tiết niệu, bệnh lý mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang...

Thôi thì việc đi khám bệnh 2-3 lần/ngày tại 2-3 cơ sở khám chữa bệnh khác nhau thì còn có thể lý giải là do người bệnh không yên tâm, hay chưa yên tâm với trình độ năng lực của bác sĩ nên muốn kiểm chứng tại cơ sở y tế khác.

Hoặc yêu cầu chụp tới 3 lần cho 3 phần cấu tạo chân là để chắc chắn không xảy ra sai sót trong điều trị cho bệnh nhân thì còn khả dĩ gượng ép chấp nhận.

Song, với câu chuyện của nữ bệnh nhân mắc tới hàng “tỷ” bệnh trong người, hoặc bệnh nhân uống, xoa tới 300 viên, tuýp thuốc trong một ngày... mà vẫn sống khỏe thì quả là điều không thể tưởng tượng và không thể chấp nhận được.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Vì sao việc trục lợi BHYT ngày một diễn biến phức tạp ở mức nghiêm trọng, có xu hướng lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước? Nếu như trước đây việc trục lợi BHYT chỉ diễn ra đơn lẻ ở một số cá nhân, một vài cơ sở y tế ở một vài địa phương thì nay nó đã trở thành căn bệnh trầm kha đến mức báo động đỏ.

Câu trả lời hết sức đơn giản mà thiết nghĩ ai cũng biết, đó là hành lang pháp lý về chi trả BHYT còn quá lỏng lẻo, trình độ năng lực giám sát của ngành BHXH còn yếu (chưa kể đến sự thông đồng móc ngoặc) tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi.

Hành lang pháp lý lỏng lẻo ở chỗ nào? Có thể đơn cử ngay một ví dụ: Khảo sát của BHXH Việt Nam tại 31 tỉnh, thành phố cho thấy, chênh lệch giá thuốc do giá trúng thầu cao hơn giá trung bình đã lên tới trên 121 tỷ đồng. Hay cùng một số loại thuốc đông y trúng thầu ở 2 bệnh viện cách nhau trên 100km đã vênh nhau tới hơn 450 triệu đồng.

Sở dĩ có chuyện chênh lệch giá quá nhiều cho cùng một loại thuốc như vậy là do quy định: Giá trúng thầu không được cao hơn giá cao nhất của năm trước.

Theo đó, các bệnh viện cứ việc “chấm”, miễn không vượt quá mức cao nhất của năm trước, khiến giá thuốc trúng thầu có sự chênh lệch rất cao giữa các bệnh viện và tỉnh, thành một cách bất hợp lý.

Còn vì sao nói trình độ năng lực cán bộ, nhân viên ngành BHXH yếu? Thiết nghĩ chẳng cần “mổ xẻ” thì ai cũng hiểu. Với những phiếu thanh toán mà nội dung hết sức tức cười như đã liệt kê ở trên (hoặc chưa thể liệt kê hết) mà vẫn có thể thanh toán tiền BHYT suôn sẻ thì còn gì để nói ngoài việc trình độ năng lực giám sát quá yếu?

Hay hiểu theo hướng tiêu cực thì không phải là trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên BHXH kém, mà là có sự “đi đêm” giữa các cơ sở y tế với cơ quan BHXH địa phương, hoặc chí ít là ăn chia với một vài cá nhân công tác tại cơ quan BHXH địa phương.

Trước đây thì có vẻ BHXH Việt Nam rất ngại động đến chuyện vỡ quỹ bảo hiểm. Song, nay chính ngành này lại đang cố gào thật to rằng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra như thời gian vừa qua thì khả năng mất cân đối quỹ BHYT là điều không thể tránh khỏi trong tương lai gần.

Muốn siết lại để tránh tình trạng trục lợi BHYT ư? Không dễ nhưng cũng không đến nỗi quá phức tạp. Cái cần làm ngay và luôn là nâng cao trình độ năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên của chính ngành BHXH. Thứ đến là kiên quyết xử lý nghiêm minh những cá nhân thông đồng, móc ngoặc với các cơ sở y tế để thanh toán khống.

Tiếp đó kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật BHYT theo hướng siết chặt, nâng mức chế tài xử phạt, không loại trừ xử lý hình sự... Tóm lại, cần một loạt các biện pháp đồng bộ như vậy mới mong chấm dứt vấn nạn “ốm tiền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ốm... tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO