Quà Tết và trách nhiệm nêu gương

H.Vũ (thực hiện) 30/12/2019 06:00

Vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 về việc tổ chức Tết năm 2020. Chỉ thị nêu rõ không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết…Xung quanh vấn đề này và sự nêu gương của người đứng đầu đơn vị, ông Nguyễn Viết Chức- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết.

Quà Tết và trách nhiệm nêu gương

Ông Nguyễn Viết Chức.

PV:Thưa ông, ý kiến của ông về việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40 về việc tổ chức Tết năm 2020, nêu rõ phải nghiêm túc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp?

Ông Nguyễn Viết Chức: Năm nào cũng phải nhắc việc cấm tặng quà Tết lãnh đạo, bởi ở đâu đó vẫn còn xảy ra hiện tượng này. Điều đó cho thấy còn cán bộ vẫn đi ngược với chỉ đạo. Chuyện nhắc tưởng là thừa nhưng lại không thừa vì còn những người chưa quán triệt một cách sâu sắc sự nhắc nhở của Ban Bí thư. Vấn đề không chỉ ở chuyện quà Tết mà chính là ý thức trách nhiệm, sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị. Nếu không nhắc đi nhắc lại, không cảnh báo sẽ vẫn còn người u mê dẫn đến sai lầm khuyết điểm. Do đó trước Tết, để niềm vui trọn vẹn, Ban Bí thư vẫn phải nhắc nhở, tôi cho rằng đây là điều cần thiết vì năm nay người này nhận thức được song năm sau người khác lên có khi chưa nhận thức được điều đó.

Như vậy muốn ngăn chặn hiệu quả chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thưa ông?

- Chúng ta đã có Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; rồi quy định về những điều đảng viên không được làm. Tuy nhiên, vẫn có người vi phạm nên việc nhắc nhở là không thừa. Mặt trận Tổ quốc cần giám sát vấn đề này thật nghiêm. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước việc cơ quan, đơn vị mình để xảy ra vi phạm. Người đứng đầu có thể chấp hành tốt, nhưng cấp dưới của mình làm điều không tốt thì cũng phải chịu trách nhiệm. Có nghiêm như vậy mới giải quyết được tình hình. Bởi suy cho cùng tại sao người đứng đầu không nhắc nhở, không kiểm tra, kiểm soát? Tại các cuộc họp Chi bộ tại sao không phê bình, tự phê bình cho đến nơi, đến chốn vẫn để xảy ra vi phạm? Cá nhân tôi cho rằng, dù vô tình xảy ra song người đứng đầu cũng phải nhận trách nhiệm. Như thế mới xây dựng được xã hội hiện đại.

Ông vừa nhắc đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, và vừa qua Đảng đã ban hành Quy định 08. Vậy từ việc này làm sao nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đảng hơn nữa trong việc cấm tặng quà Tết?

- Như tôi đã đề cập ở trên, nếu chúng ta làm tốt, tức là việc đó đã trở thành ý thức thường xuyên, không được làm, nếu làm là vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm tiêu chí chuẩn mực văn hóa của cán bộ đảng viên. Khi đạt đến mức độ đó sẽ không phải nhắc nhiều lần. Nhưng một tật xấu, thói quen xấu đã nhiễm sâu vào trong đời sống thì không thể vài năm là “chữa” được. Cho nên bây giờ cần kiên quyết làm và phải kiên trì, làm nhiều năm, không nên sốt ruột. Cũng như thói quen tốt nhiều năm sẽ xóa đi được thói quen xấu. Nên phải làm kiên trì là vì thế để xây dựng thói quen tốt, thói quen mới.

Năm 2020 cũng là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp. Vậy nếu Tết này vẫn có những trường hợp vi phạm khi biếu quà Tết, dùng xe công đi chúc Tết thì những người nằm trong diện quy hoạch cán bộ nhân sự khóa tới có cần phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch, đặc biệt là nhân sự cấp ủy, thưa ông?

- Năm nay chúng ta càng cần chú ý, đặc biệt là những người làm công tác tổ chức, người đứng đầu. Bởi vì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không thể chọn, để lọt những người nịnh bợ, không gương mẫu, chạy chức chạy quyền vào bộ máy”. Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã nêu rõ các biểu hiện chạy chức, chạy quyền là như thế nào? Biểu hiện của chạy chức, chạy quyền là gì? Cho nên nhân dịp Tết Nguyên đán 2020, nhân dân, MTTQ Việt Nam cần nâng cao vai trò giám sát, phản biện của mình để thông tin cho các cấp ủy đảng về những cán bộ không gương mẫu trong nhân dân. Phải loại bỏ những cán bộ không gương mẫu, không cho vào cấp ủy nhiệm kỳ tới. Làm như thế sẽ nghiêm minh và đó cũng là căn cứ để loại bỏ những cán bộ không gương mẫu, không nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Ban Bí thư.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quà Tết và trách nhiệm nêu gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO