Việc của xã

Nam Việt 15/04/2016 09:25

Việc 4 người, trong đó 3 người là anh em ruột từ một huyện miền núi Nghệ An vào Quảng Nam làm phu đào vàng bị chết ngạt thêm một lần nữa cảnh báo nguy hiểm chết người ở những bãi vàng khai thác trái phép. Việc phu vàng chết do sập hầm, do ngạt không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã nhức nhối từ lâu. Thật buồn những phu vàng ấy đều là những người nông dân nghèo, phải liều mình đem thân vào chốn hiểm nguy.

Vụ 4 phu vàng tử vong do ngạt khí trong hầm ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Trở lại câu chuyện 4 phu vàng chết ngạt trong hầm ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cái chết đến với họ từ từ (do ngạt khí) nhưng không cách gì thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Được biết, những người đàn ông nghèo này đã vào Quảng Nam làm phu vàng 2 năm nay. 2 năm họ sống trong sự đe dọa, với nhiều khốn khó; 2 năm làm công việc mà luật pháp không cho phép, để rồi thần chết đã đến mang họ đi vào ngày 12/4, vào một buổi chiều khi mà vào giờ đó hầu hết mọi người đã chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Việc đào đãi vàng trái phép đã diễn ra từ lâu, ở nhiều địa phương, nhưng xem ra vẫn không được xử lý dứt điểm. Có thời kỳ, nhiều dòng suối Tây Bắc đỏ ngầu do người dân đãi vàng sa khoáng. Người già cũng ra suối đãi vàng, trẻ em bỏ cả học để đi đãi vàng. Cái giá của việc này là rất đau đớn vì ở nhiều nơi khi mà phong trào đào, đãi vàng rộ lên thì cũng là lúc tệ nạn xã hội kéo tới. Đau đớn hơn là không ít phu vàng làm công cho các “bưởng” đã phải bỏ mạng.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên cách đây gần 3 năm, ngày 25/4/2013, một nhóm người đã khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng núi thôn Điềm, xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam). Do không có dụng cụ chống đỡ nên khi đào sâu vào lòng núi, hầm vàng bất ngờ sập vùi lấp 3 người, khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Người tử vong quê tận Kim Sơn, Ninh Bình, được người quen dẫn vào Quảng Nam đào vàng.

Trước đó, ngày 8/4, ở bãi 39, xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn, cũng thuộc tỉnh Quảng Nam) 3 phu vàng quê ở Thái Nguyên đã tử vong ở độ sâu hơn 100 mét. Họ đã bị chết ngạt do máy nổ truyền ống dẫn khí xuống hầm gặp sự cố.

Cũng ở Quảng Nam (huyện Nam Giang), ngày 13/5/2014, 2 phu vàng cũng bị chết trong khi làm thuê. Lực lượng chức năng đã phải mất 2 ngày đào bới mới đưa được thi thể của họ ra khỏi đống đất khổng lồ. Trong lúc dùng vòi rồng xịt vào vách núi lấy đất đãi vàng tại Nam Giang, Quảng Nam, một mảng núi sạt lở vùi lấp khiến hai 2 phu vàng chết tại chỗ.

Một trong 2 người tử nạn thật đau lòng lại là một thiếu niên 13 tuổi (quê ở Quảng Nam), còn người kia cũng mới 21 tuổi (quê ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Thật đáng công phẫn trong vụ này là sau tai nạn, chủ hầm vàng cố tình giấu thông tin, không thông báo với chính quyền, chính vì thế việc tìm kiếm, cứu trợ người bị đất đá đè là không thể thực hiện, vì khi biết tin chắc chắn họ đã thiệt mạng.

Một vụ sập hầm nữa cũng rất thương tâm vào ngày trưa ngày 1/1/2015 tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Đất đá vùi lấp 2 người đàn ông, một người 35 tuổi còn người kia 43 tuổi.

Điểm lại một số vụ phu vàng thiệt mạng cho thấy, những năm qua, việc khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam rộ lên. Các huyện miền núi của tỉnh này, nơi được coi là có vàng đều bị các chủ vàng “chiêu mộ dân phu” tìm mọi cách khai thác, bất chấp hiểm nguy, bất chấp việc vi phạm pháp luật. Từ đó gây ra những thảm cảnh đau lòng.

Việc truy quét, đẩy đuổi những người đào vàng cũng được địa phương tiến hành. Tuy nhiên, việc đào đãi vẫn tiếp tục diễn ra. Một vụ đẩy đuổi, truy quét được cho là lớn nhất diễn ra vào ngày 26/11/2015. Sau 2 ngày đêm truy quét, cảnh sát và các lực lượng hỗ trợ đã đẩy đuổi được 500 người khai thác trái phép ra khỏi thủ phủ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). 50 lán trại, 43 máy nổ cùng hàng chục thùng hóa chất, cối xay… dùng để đào đãi vàng bị phá hủy. 100 cảnh sát thuộc nhiều lực lượng đã được huy động để đuổi “vàng tặc”.

Những khu vực tiến hành đào đãi bất hợp pháp đều bị đào bới tan hoang, cây rừng bị chết cháy do chất độc cyanua từ việc khai thác vàng thải ra. Lán trại của những người phu vàng được dựng tạm bợ bên cạnh những hố sâu, vực núi chênh vênh. Hàng trăm hầm khai thác vàng đào sâu vào lòng núi chèn cống rất sơ sài... Nhưng rồi sau đó sự việc lại tái diễn.

Việc những người làm thuê cho các chủ vàng gặp nhiều hiểm họa, kể cả thiệt mạng đã đến lúc phải báo động. Họ là những người nông dân nghèo liều mạng làm thuê, từ đó bị gọi là “vàng tặc”. Người chết đã thiệt mạng, người sống có người bị thương tật suốt đời, có người bị những căn bệnh rừng sâu nước độc hành hạ, cũng không ít người dính những tệ nạn xã hội, căn bệnh xã hội rất đau lòng.

Khi mà việc quản lý địa bàn không chặt chẽ vẫn để xảy ra tình trạng đào đãi vàng trái phép thì sẽ vẫn còn những bi kịch xảy ra. Không thể nói rằng vì địa hình khó khăn, rộng quá mà không kiểm soát được. Một khu vực tập trung tới 500 người đào vàng thì không thể nói là không biết. Họ có thể là dân địa phương, cũng có thể là người ở nơi khác đến, nhưng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, trước hết là vì an ninh, trật tự trên địa bàn.

Thật khó biện minh cho chính quyền cấp xã rằng họ không biết có việc đào đãi vàng ở địa phương mình. Cả trăm con người, dựng lên rất nhiều lán trại, lại mang cả máy móc đến đào hầm trong nhiều ngày thì không thể các “quan xã” không biết. Biết nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Biết nhưng làm ngơ. Và rất có thể vì quyền lợi nào đó họ đã không hành động. Cho rằng họ không đủ lực để xử lý, thì tại sao họ không nhanh chóng báo cáo lên huyện, lên tỉnh? Chẳng lẽ đợi đến khi tại nạn chết người xảy ra thì mới báo cáo?

Từ câu chuyện tai nạn ở những khu đào đãi vàng cho thấy sự quản lý của chính quyền cấp xã ở những nơi xuất hiện vấn đề nóng cần phải được đề cao trách nhiệm. Không lẽ người ta tới xã mình đào đãi vàng rầm rộ mà mình không hay biết. Không lẽ người ta chặt trụi cả cánh rừng lại là điều “bất ngờ” với cán bộ xã.

Không lẽ “cái chết trắng” về làng cán bộ cũng không hay. Cán bộ xã là gần dân nhất, nắm chắc địa bàn nhất. Quản lý địa bàn phải là chuyện của xã. Vì thế, họ không thể vô can khi để những vụ việc phức tạp kéo dài trên địa bàn do mình “làm chủ”. Nhất là khi xảy ra tai nạn chết người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc của xã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO