Gọn đầu mối, giảm trung gian

Thế Tuấn 20/10/2022 07:53

Từ ngày 1/11 tới, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ còn duy nhất Tổng cục Khí tượng Thủy văn sau khi 4/5 tổng cục thuộc Bộ này sẽ chia tách thành các cục, vụ trực thuộc bộ, là: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

Điều đó thực hiện theo Nghị định 68/2022/NĐ-CP, ngày 22/9, quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thay thế cho Nghị định 36 của Chính phủ năm 2017.

Cụ thể: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Tổng cục Môi trường được tách ra thành lập 3 đơn vị: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành 2 đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam.Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.

Sau khi thực hiện xoá bỏ tổng cục, chia tách thành các đơn vị mới theo Nghị định 68 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ còn lại 27 đơn vị cấp cục, vụ.

Trước đó, ngày 1/12/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/.2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ này; đề xuất Chính phủ cho phép tổ chức lại 3 tổng cục thành 8 cục và giữ nguyên 2 tổng cục.

Trong quá trình cải cách hành chính thì, cùng với việc tinh giản biên chế thì giảm bớt các khâu trung gian trong quản lý nhà nước là hết sức cần thiết. Càng thu gọn đầu mối bao nhiêu thì càng khiến cho bộ máy năng động bấy nhiêu.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ sáng 12/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ bộ máy bên trong các bộ, ngành còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng dứt khoát phải sắp xếp lại cục, tổng cục. Dẫn chứng, Thủ tướng nói: “Bộ Công an có những tổng cục hình thành 35 năm, mà cắt một lúc 8 tổng cục, bây giờ vẫn êm, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành”. Thủ tướng cho rằng vấn đề ở khâu quyết tâm, có làm không và yêu cầu các bộ trưởng dứt khoát phải sắp xếp lại cục, tổng cục và làm một cách nghiêm túc.

Thủ tướng cũng lưu ý: Đụng đến bộ máy, đụng đến con người là khó khăn nhất. Bộ máy phình ra còn có chỗ sắp xếp tất cả vui vẻ, nhưng thu hẹp lại là cả vấn đề. Đụng đến cán bộ tức là con người, rất nhạy cảm. Đụng lợi ích, tăng lên ai cũng thích, nhưng giảm đi ai cũng tâm tư, vì thế phải có quyết tâm chính trị rất lớn mới làm được.

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 20/6/2022, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp báo, một vấn đề được coi là khá “nhạy cảm” được nêu lên, đó là Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải), khi mà trước đó ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục này từng nhấn mạnh “không đồng ý tách tổng cục” thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc vì sẽ nảy sinh bất cập.

Giải đáp, Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cho biết có 3 tiêu chí thành lập tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định số 101/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ. Đối chiếu với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 1 tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương. Ông Nam cũng cho rằng sẽ không có sự chồng chéo mà sẽ giảm được rất nhiều các đầu mối bên trong.

Dẫn chứng một trường hợp cụ thể như trên là để thấy khi giải tán tổng cục, thành lập các cục, vụ mới không phải “ai cũng thông”. Nhưng về tổng thể, việc gọn đầu mối, giảm trung gian là điều không có gì phải bàn vì sự cồng kềnh của bộ máy, “quá nhiều lãnh đạo” đã là việc thấy rõ, là rào cản phát triển đất nước. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh thì, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc. Những đơn vị không bảo đảm tiêu chí của tổng cục (trừ trường hợp đặc biệt) thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gọn đầu mối, giảm trung gian

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO