Hà Nội làm sao lấy lại được vỉa hè?

Lê Khánh – Thu Trang 23/02/2023 07:01

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, để bán hàng, mở quán ăn, kinh doanh… gây bức xúc cho người dân Hà Nội suốt nhiều năm qua. Mặc cho lực lượng chức năng thường xuyên ra quân, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý... Song, câu chuyện lấn chiếm vỉa hè tại khu vực đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn là vấn đề nan giải.

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại tổ chức đợt ra quân mới “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

“Chạy được lúc nào hay lúc đấy vì mưu sinh”

Nếu đến Hà Nội, người dân, du khách không khó để bắt gặp hàng loạt các quán bán hàng rong xuất hiện dày đặc để bán bánh mì, cà phê hay các loại đồ ăn vặt… Không những vậy, hàng dài xe máy, ô tô vô tư đỗ trên vỉa hè chiếm hết lối đi của người đi bộ. Trong khi mỗi năm Hà Nội chi hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng để lát đá vỉa hè.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023.

Tại văn bản này, cơ quan chức năng TP Hà Nội khẳng định sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn. Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, để giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè, Đội Cảnh sát trật tự Công an quận Hoàn Kiếm đã ngay lập tức phối hợp cùng Công an phường Đồng Xuân, Lý Thái Tổ ra quân lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ sau khi Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - người dân kinh doanh trên địa bàn phường Đồng Xuân cho biết: "Chúng tôi hầu hết ai cũng có nhu cầu buôn bán, phía nhà ngoài mặt đường thì đã có vị trí kinh doanh đẹp, nhưng còn phía bên trong không có nơi buôn bán nên buộc phải ra vỉa hè để mưu sinh".

“Nhiều lúc nghĩ cũng thấy khổ, mỗi khi lực lượng chức năng đi tuần tra kiểm soát, người dân bám trụ bằng vỉa hè như chúng tôi lại phải dọn dẹp bàn, ghế để tránh bị tịch thu đồ đạc. Tôi mong các cấp, các ngành chấp thuận cho những người nghèo như chúng tôi thuê lại vỉa hè để kinh doanh, buôn bán” - ông Hùng nói.

Ông Dương Ngọc Liên - người dân sinh sống tại phường Đồng Xuân chia sẻ, việc lấy lại vỉa hè dành cho người đi bộ là cần thiết để xây dựng một nét văn hóa, trật tự đô thị. Bên cạnh đó, tạo điểm nhấn thành những khu phố văn minh sạch đẹp, khang trang hơn.

“Tuy nhiên, việc lấy lại vỉa hè cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân bám trụ kiếm cơm hàng ngày nhờ vỉa hè. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải có biện pháp giải quyết thật sự hài hòa để người dân vừa ổn định kinh tế, vừa khiến bộ mặt Thủ đô khang trang, sạch đẹp” - ông Liên cho hay.

Có nên cho thuê vỉa hè?

Ông Trần Nguyên Hiệp - Phó Chủ tịch phường Đồng Xuân cho hay, để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè UBND phường cũng đã xây dựng các kế hoạch đảm bảo duy trì, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân kinh doanh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

“Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì khi lực lượng chức năng có mặt thì người dân chấp hành rất nghiêm. Song, khi vắng mặt thì họ lại tiếp tục tái diễn việc lấn chiếm. Đặc biệt, địa bàn phường Đồng Xuân đa phần là các hộ kinh doanh đến từ nơi khác thuê lại mặt bằng nên việc tuyên truyền cũng hết sức khó khăn” - ông Hiệp chia sẻ.

Theo TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông công cộng, vỉa hè sinh ra để phục vụ người đi bộ, không phải là không gian để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, nhìn nhận việc lấn chiếm vỉa hè là thực trạng đã xuất hiện từ lâu mà chúng ta "đành phải chấp nhận". Vì vậy, việc vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ là việc "nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản".

“Một số nước ở châu Âu cũng đang cho thuê vỉa hè ở một số đoạn đường trong khoảng thời gian nhất định. Đến tối, khi bớt xe đi lại, họ dùng lòng đường làm quán nhậu, để du khách ngồi uống rượu bia. Trường hợp này gần giống với mô hình phố đi bộ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, họ vẫn chừa lại lối nhỏ dành cho người đi bộ" - TS Bình nêu giải pháp.

“Việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè rồi thu phí nộp ngân sách nhà nước cũng tốt, nhưng phải xác định thứ tự ưu tiên đảm bảo lợi ích cho người đi bộ. Ưu tiên khoảng không gian dành cho người đi bộ. Không gian còn lại có thể chấp nhận một phần nào đó cho phép làm việc khác. Không nhất thiết phải dẹp sạch hàng quán trên vỉa hè. Làm được như vậy sẽ hài hòa hơn, dễ được chấp nhận hơn" - ông Bình nêu quan điểm.

Ngược lại, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), vỉa hè là không gian công cộng, dành cho người đi bộ; không thể cho thuê với bất cứ giá nào. Theo ông Ánh, khái niệm "kinh tế vỉa hè" chỉ là "lý lẽ, bao biện" để tìm cách khai thác vỉa hè để lấy tiền.

Cần có các biện pháp xử lý nghiêm

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, thực tế Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, khi phong trào lắng xuống, người dân lại tiếp tục lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Theo ông Nghiêm, thành phố cần có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè buôn bán, kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm khi để vi phạm này tái diễn. "Hà Nội cần phải làm kiên quyết, kiên trì để đạt được mục đích, không bắt cóc bỏ dĩa, không đánh trống bỏ dùi và không để quyết tâm chỉ ở trên bàn giấy" - ông Nghiêm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội làm sao lấy lại được vỉa hè?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO