Hà Nội: Sẵn sàng kích hoạt phương án phòng, chống dịch cho ngày bầu cử

Lan Anh 17/05/2021 21:36

Chiều 17/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tiếp tục quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch

Báo cáo tại phiên họp, đại diện huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, ca bệnh F0 mới phát hiện tại xã Hiền Giang khá phức tạp do chưa rõ ràng nguồn lây, bệnh nhân cùng gia đình có quán bia nên phức tạp trong xác định người tiếp xúc; hiện đã xác định 13 ca F1 và chuyển cách ly tập trung.

Thường Tín hiện có 3 ổ dịch tại: Xã Tô Hiệu, xã Dũng Tiến, xã Hiền Giang. Huyện đã ra văn bản giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với xã Tô Hiệu và xã Hiền Giang từ chiều ngày 15/5. Huyện cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Truyền hình thành lập khu cách ly với khoảng 400 giường.

Đại diện quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, ca bệnh F1 của BN3634, ở Royal City đã được cách ly từ ngày 12/5 và xác định được 4 trường hợp F1, 9 trường hợp F2. Đây là trường hợp phát sinh trong khu cách ly, do đó, quận đã tiến hành khử khuẩn nơi ở của ca bệnh.

Liên quan đến 1 ca F0 (từ chùm ca bệnh Bệnh viện K Tân Triều), đã được đưa đi điều trị, 11 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung và 20 trường hợp F2 được theo dõi sức khỏe. Qua rà soát, trên địa bàn quận có 873 người đi từ Đà Nẵng về trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các trường hợp trên đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Thông tin về trường hợp F1 của 1 ca bệnh F0 trên địa bàn (từ chùm ca bệnh Bệnh viện K Tân Triều), đại diện huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, trên địa bàn huyện có 51 trường hợp F1 đã có kết quả âm tính và 11 ca nghi mắc được xét nghiệm cho kết quả âm tính. 5 khu vực cách ly liên quan đến các chùm ca bệnh được thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tại các siêu thị và TTTM, lượng hàng hóa đều tăng từ 3-5 lần so với ngày thường, do đó, không có tình trạng người dân dự trữ hàng hóa. Qua kiểm tra, Sở Công thương đã nhắc nhở với các TTTM và siêu thị chưa đảm bảo khoảng cách 2 m; chỉ đạo dẹp chợ cóc, hàng quán vỉa hè tại các quận, huyện.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đã thành lập 7 tổ công tác tại các bến xe liên tỉnh; bố trí 9 chốt trực tại các khu vực giáp ranh với Hà Nội; 36 chốt tại các điểm dừng, đón, trả khách liên tỉnh; duy trì 17 chốt tại các ngã tư và trục chính trên địa bàn thành phố và 30 tổ công tác kiểm tra phòng, chống dịch tại các đơn vị vận tại có trụ sở, chi nhánh trên địa bàn… Do tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở đã phối hợp, cho dừng tuyến xe liên tỉnh với 13 tỉnh; giảm 50% tần suất hoạt động tại 9 tỉnh; dừng hoạt động của các tuyến bus với 4 tỉnh…

Tại phiên họp, đại diện Ban quản lý KCN&CX Hà Nội cho biết, đã đánh giá nguy cơ dịch từ 2 tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang và cho rằng nguồn lây từ Bắc Ninh thấp do các doanh nghiệp có các ca F0 như Canon, Samsung đều khoanh vùng, truy vết tốt. Hiện, có trên 150 người sinh sống tại Hà Nội nhưng làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Giang, các trường hợp này đều đã được khoanh vùng, theo dõi sức khỏe.

Trước diễn biến dịch phức tạp tại các KCN&CX, Ban quản lý đã xây dựng phần mềm trực tuyến về Covid-19 để các doanh nghiệp khai báo, đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trước 20/5 phải khai báo danh sách người lao động trên phần mềm để giúp Ban quản lý thống kê được danh sách người lao động, nơi ở, điện thoại liên hệ.

Ban quản lý cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án kịch bản khi dịch bệnh ở doanh nghiệp; yêu cầu chủ các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch; thành lập 9 tổ để rà soát, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động tấn công để ngăn chặn dịch lây lan, trong đó, có việc ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo; tăng cường năng lực xét nghiệm; tích cực phối hợp với các tỉnh lân cận để có thông tin dịch tễ sớm nhất nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trên địa bàn; hỗ trợ tỉnh bạn trong công tác phòng, chống dịch…

Nhấn mạnh về nguy cơ lây lan dịch tại cộng đồng còn nhiều, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó, quan tâm tuyên truyền các gương điển hình, sự chung sức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm trong quản lý, điều hành công việc và xử lý nghiêm các sai phạm.

Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra hiệu quả hoạt động của tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng”, nhất là tại các chung cư; công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn giáp ranh; trong các khu vực phong toả, các khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện, nhà hàng, kiên quyết rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm.

Trong công tác tổ chức cách ly tập trung, thành phố yêu cầu các địa phương quán triệt tuyệt đối quan điểm cách ly chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo; mỗi quận, huyện, thị xã phải rà soát, chuẩn bị các điều kiện an toàn để tổ chức khu cách ly tập trung cho 1.000 người. “Thành phố sẽ ký quyết định thành lập khu cách ly tập trung, bảo đảm có sự điều phối chung, cố gắng bảo đảm khoảng cách di chuyển người cách ly là ngắn nhất”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Từ nay tới ngày tổ chức bầu cử, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội yêu cầu BCĐ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương luôn ở trong trạng thái chủ động cao nhất, sẵn sàng kích hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi có ca bệnh, từ việc truy vết, phong toả, lấy mẫu xét nghiệm với phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho công tác bầu cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Sẵn sàng kích hoạt phương án phòng, chống dịch cho ngày bầu cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO