Hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: Ngày càng gay gắt

H.Giang 04/01/2020 08:00

“Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Theo dự báo, mùa khô năm nay có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, hơn 120.000 hộ thiếu nước sinh hoạt”.

Hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: Ngày càng gay gắt

Hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt ở ĐBSCL. Ảnh: TL.

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL, diễn ra sáng 3/1, tại thành phố Bến Tre. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị.

Xâm nhập mặn năm nay xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ giữa tháng 12/2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4 gam/lít ở sông Hàm Luông, cao nhất đến 57 km, cao hơn năm cùng kỳ năm 2015 là 17 km). Theo tính toán Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dự báo mức độ, phạm vi xâm nhập mặn 4 gam/lít tại các cửa sông sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và kỷ lục năm 2016.

Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập 100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 40 km, sâu hơn năm 2016 là 3 km. Phạm vi xâm nhập vùng Sông Vàm Cỏ Tây là 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 52 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km. Vùng các cửa sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng ở từng cửa sông từ 55-80 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 23-49 km, sâu hơn năm 2016 từ 3-7 km. Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) bị mặn xâm nhập 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km.

Mùa mưa năm 2019 tại lưu vực sông Mêkong xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm. Tổng thời gian mưa ngắn, lượng mưa khoảng 1.240 mm, thấp hơn các năm trước 8%. Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Mực nước bình quân tại trạm Kratie (Campuchia) từ đầu tháng 11 đến nay thấp hơn gần 2,33 m so với các năm trước.

Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ). Những hiện tượng này đã tác động rất lớn đến đời xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn. Báo cáo của Bộ NNPTNT chỉ rõ.

Cùng với việc sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xâm nhập mặn thì nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau Hội nghị này, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng, rà soát việc thiếu nước ngọt sinh hoạt trong nhân dân. Đồng thời, Bộ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, do Thứ trưởng làm Trưởng ban, thường xuyên đi vào từng tỉnh để chỉ đạo, kết hợp, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích người dân tự tính toán lượng nước cần thiết chia theo đầu người ở mỗi gia đình để chủ động trữ nước ngọt dùng qua mùa khô hạn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vùng ĐBSCL là vùng trù phú, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho toàn vùng và cả nước. Tình hình hạn mặn dự báo sẽ xảy ra nghiêm trọng, đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nỗ lực, chung tay cùng thực hiện các giải pháp phòng - chống, giảm nhẹ tác hại của hạn mặn. Trong các giải pháp, ưu tiên đầu tiên là phải bảo đảm đời sống của người dân; bảo đảm nước cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp; bảo vệ mùa màng, không để hạn mặn gây ảnh hưởng lớn.

Đối phó với hạn mặn, các địa phương đã lên kế hoạch cụ thể để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân cần bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: Ngày càng gay gắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO