Hàng Việt: Hiểu thế nào cho đúng?

Duy Phương 28/09/2015 08:20

Lời khẳng định của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: “Samsung là hàng Việt Nam”, đã nhận được những ý kiến trái chiều. Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, coi Samsung là hàng Việt Nam là không sòng phẳng với doanh nghiệp trong nước.

Hàng Việt ngày càng nhận được nhiều sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Long.

Nhận định “Samsung là hàng Việt Nam được lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra tại buổi họp báo Nhận diện Tuần hàng Việt do Bộ Công thương vừa tổ chức.

Theo đó, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng: Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.

Vì lẽ đó, tất cả các sản phẩm hàng hóa của DN FDI được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng được coi là hàng Việt Nam và các sản phẩm của Samsung được sản xuất tại Việt Nam nên Samsung cũng là hàng Việt Nam.

Ngay lập tức, nhận định của đại diện Bộ Công thương nhận được những ý kiến phản đối từ giới chuyên gia kinh tế. Một số chuyên gia cho rằng, coi Samsung là hàng Việt Nam, nhưng các DN đó lại muốn được hưởng ưu đãi của chính sách Việt Nam đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, như vậy là thiếu sòng phẳng với các DN Việt Nam.

“Ngoài ra, một sản phẩm muốn đích thực là hàng Việt “xịn”, thì khi xuất khẩu hàng hóa đó phải chiếm một tỷ lệ nội địa hóa nhất định của Việt Nam. Vậy, Samsung đã đạt được tỷ lệ đó hay chưa?” – một chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), nếu khẳng định Samsung là hàng Việt Nam và lý giải như lãnh đạo Bộ Công thương, xét về mặt pháp lý là hoàn toàn không sai.

Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, DN đăng ký và được pháp luật Việt Nam thừa nhận, hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì hàng hóa của DN đó được coi là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, khi nói đến xuất xứ hàng hóa, thì lại là một câu chuyện khác.

Theo PGS Thịnh, khi hội nhập kinh tế ASEAN, và đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì yêu cầu đặt ra về mặt xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu là rất cao. Cụ thể, hàng Việt Nam xuất khẩu muốn sang thị trường ASEAN được nhận các ưu đãi về thuế thì phải đạt tối thiểu 40% tỷ lệ nội địa hóa. Còn tại thị trường TPP, tỷ lệ này cao hơn nhiều lần.

Muốn là hàng Việt “xịn” thì phải chiếm tỷ lệ nội địa hóa nhất định.

Nói như vậy để hiểu rằng, tỷ lệ nội địa hóa chính là việc sử dụng thiết bị, nguyên vật liệu có xuất xứ trong nước. Do đó, ông Thịnh cho rằng, đối với trường hợp của Samsung, các nguyên phụ liệu, thiết bị tạo giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, chủ yếu nhập sản phẩm từ nước ngoài, chưa thể đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao, khi áp dụng thông lệ quốc tế, của các nước thì chưa thể coi là hàng Việt Nam.

“Bởi vậy, tôi cho rằng, xét về mặt pháp lý coi Samsung chính là hàng Việt hoàn toàn không sai, nhưng như những nhận định nói trên liên quan đến quy tắc xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu phù hợp với quy định quốc tế… thì chúng ta cần phải cân nhắc lại khái niệm này” – PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ quan điểm.

Mặc dù vậy, ông Thịnh cũng cho rằng, các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi đã tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, đóng góp lợi ích kinh tế cho Việt Nam thì nên coi là DN Việt Nam, không nên phân biệt đối xử giữa hai khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trao đổi với báo giới, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng nêu quan điểm: Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có định hướng trở thành DN quốc doanh Việt Nam với mong muốn có những đóng góp thực sự cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, nếu sau này các DN FDI không ở lại Việt Nam nữa thì họ cũng đã để lại những thứ mà chúng ta cần. Cho nên, chúng ta không nên phân biệt hàng hóa giữa hai khu vực DN trong nước và FDI sản xuất là hàng nội, hàng ngoại nữa.

Trả lời Đại Đoàn Kết, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng chỉ rõ, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

“Với định nghĩa này, tôi cho rằng, cuộc vận động đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng, của các DN Việt Nam sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt cũng như của các DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam” – Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định.

Có ý kiến cho rằng, về mặt chính sách đã khẳng định: “Những doanh nghiệp FDI hoạt động trên đất Việt Nam là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, bởi vậy, nếu coi các sản phẩm hàng hóa mà các DN FDI sản xuất trong nước là hàng hóa Việt Nam, thì cũng không có gì bất hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt: Hiểu thế nào cho đúng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO