Hành động thiết thực

Nguyên Khánh 07/10/2017 08:10

Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Cụ thể, Chính phủ giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính (TTHC), đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Động thái này tiếp tục thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính


Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo sự thông thoáng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Tháng 9 vừa qua có thể được coi là tháng của “cắt bỏ” các ĐKKD. Từ yêu cầu loại bỏ gần 2.000 ĐKKD được bộ Kế hoạch-đầu tư đề xuất, lần lượt các bộ Tài chính, Y tế, Lao động-thương binh và xã hội, Tài nguyên-môi trường... công khai phương án cắt bỏ các ĐKKD của ngành mình. Ấn tượng nhất có lẽ là Bộ Công thương với 675 ĐKKD. 675 ĐKKD theo giới chuyên gia, đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các ĐKKD của bộ này.

Nhờ những nỗ lực cải cách TTHC trong nhiều lĩnh vực, và sự xung phong của các bộ, ngành trong việc loại bỏ các ĐKKD được cho là rào cản, thứ hạng Việt Nam đã tăng vọt trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 55 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm nay, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với 5 năm trước.

Hiệu ứng của cải cách cũng làm kinh tế có bước tăng trưởng đột phá trong quý 3. GDP tăng tới 7,46% quả là con số ấn tượng mà theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “đạt được kết quả nêu trên là do chúng ta đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trong đó đã chú trọng vào chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, đó là việc đã nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục và tập trung mạnh vào khâu hậu kiểm. Cả hệ thống có sự chuyển biến trong cải cách TTHC, cắt giảm rào cản, các trung tâm hành chính công ở các địa phương, cơ chế một cửa, một cửa liên thông cải tiến mạnh mẽ bước đầu đã phát huy tác dụng”....Rõ ràng, thành tích ấn tượng của quý 3 có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực CCHC, cắt bỏ các ĐKKD mà Chính phủ, các bộ, ngành đang nỗ lực làm.

Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những nỗ lực trong thực hiện Nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh tháng 9 và 9 tháng năm 2017 là tích cực, song người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Không phải vì thế mà chủ quan, lơ là, thỏa mãn”. “Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở phía trước là không được”. Cần phải tiếp tục con đường mình đã đi, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo sự thông thoáng qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và TTHC, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình luận về “cuộc cách mạng” cắt bỏ ĐKKD thời gian qua ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực, tuy nhiên, tiếp tục cuộc chiến cắt bỏ ĐKKD là việc không thể không làm vì đằng sau nhiều giấy phép, ĐKKD luôn có bóng dáng của lợi ích. Bởi cấp phép là xin cho, muốn xin thì người xin phải “biết điều”. Đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian thì lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao…

Về cách thức mà các Bộ, ngành đang rà soát để loại bỏ các ĐKKD ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay công việc này đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát để đề xuất bãi bỏ mà chưa có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. “Cách làm này có thể không hiệu quả, bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó, xây dựng chính sách, thực thi chính sách đó, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó. Thường cơ quan đang cấp phép không nên và không thể chính là cơ quan chủ trì soạn thảo hay cắt giảm quy định về cấp phép”. Do đó, rất cần một cơ quan độc lập, hoặc chí ít một đơn vị song song cùng rà soát, “chốt” phương án giữ hay loại bỏ ĐKKD.

Một điểm trũng nữa trong rà soát bãi bỏ ĐKKD theo ông Đậu Anh Tuấn chưa gắn được với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực. Chưa ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu khi lĩnh vực họ phụ trách đặt thêm nhiều ĐKKD gây phiền hà, cản trở sự phát triển. Những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra. Nó không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, xa hơn nó còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. Nó tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các doanh nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước. Theo đó, không thể tùy tiện ban hành ĐKKD mà phải có chế tài xử lý rõ ràng.

Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách ĐKKD theo ông Đậu Anh Tuấn phải hành động thực chất, quyết liệt. Cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan nhà nước không bãi bỏ ĐKKD mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới. Đặc biệt, chỉ cần thực hiện hết các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm đã có thể tạo ra thay đổi rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động thiết thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO