Hành động vì cuộc sống

Ái Châu 01/02/2017 08:55

Với người Mặt trận năm 2016 là một năm hành động với hàng loạt chương trình, công việc được triển khai. Đây chính là năm góp phần định hình hoạt động cho cả nhiệm kỳ, khẳng định hoạt động của MTTQ không chỉ góp phần vào việc ổn định chính trị và phát triển mà còn đi thẳng vào những vấn đề con người, là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư Ký Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao
UBTƯ MTTQ Việt Nam thăm và làm việc tại Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Long).

1. Nhìn lại năm 2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là năm có đặc thù trong công tác Mặt trận khi bước sang năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, là năm tổ chức Đại hội lần thứ XII của Đảng và cũng là năm diễn ra thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nhưng 2016 cũng là năm có nhiều thách thức khi diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu liên tục xảy ra. Khi ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ vừa đi qua những đợt hạn hán khốc liệt thì cả dải đất miền Trung lại phải gánh chịu cảnh nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng chìm trong mưa lũ. Cùng với đó là sự cố Formosa xả thải gây hậu quả nghiêm trọng hủy hoại môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế vẫn chưa hết nguôi ngoai.

Trước những khó khăn của người dân, MTTQ các cấp từ trung ương tới địa phương bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là việc phát động và đón nhận tấm lòng nhân ái, tinh thần thiện nguyện của đồng bào cả nước gửi đến bà con vùng bão lũ và đảm bảo phân bổ những phần quà hỗ trợ này đến được đúng địa chỉ, đúng thời điểm, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân.

Còn nhớ, khi sự cố Formosa xảy ra, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.

Để số tiền hỗ trợ đến tay ngư dân kịp thời, TS Lê Bá Trình- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã dẫn đầu đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương Mặt trận về thăm hỏi và chia sẻ với bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng.

Sau những ngày gặp trực tiếp ngư dân, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, ông hết sức chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà ngư dân từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế gặp phải do sự cố môi trường.

Nhưng cũng qua sự cố này, chúng ta thấy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở các địa phương đã cùng nhau vào cuộc để giải quyết sự cố, đặc biệt là Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phối hợp thực hiện các giải pháp ổn định đời sống nhân dân.

Tuy vậy, cũng qua sự cố này, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân bảo vệ môi trường đặt ra nhiều trăn trở, nhất là việc cần phải đảm bảo an toàn môi trường biển và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ để hỗ trợ, giúp người dân ứng phó với biến đổi, ổn định cuộc sống.

Ngay sau đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định ký kết chương trình Phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt.

Đây là chương trình phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam.

Việc Mặt trận cùng tổ chức đoàn thể, thành viên ký kết một chương trình phối hợp hành động để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt là một cách để Mặt trận hướng về cuộc sống, hành động vì cuộc sống.

Trong đó Mặt trận đã biết chọn ra những điểm nóng trong cuộc sống như giám sát người có công- lần đầu tiên sau 40 năm chúng ta mới làm được.

Hay như việc việc tham gia giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm- tuyên chiến với “Quốc nạn” thực phẩm bẩn hoặc vận động nhân dân tham gia các mô hình liên kết hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tất cả những hoạt động này để thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của từng khu vực, từng nhóm, đến từng gia đình và chạm đến mong mỏi của mỗi một cá nhân con người.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình thăm hỏi và chia sẻ với bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng
sự cố môi trường biển ở Quảng Bình. (Ảnh: Xuân Thi).

2. 86 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận luôn là trung tâm đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng, giai tầng, dân tộc trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước.

Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, người làm Mặt trận luôn đề cao việc phải làm tốt vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt trận không chỉ là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ lắng nghe, thấu hiểu lòng dân mà còn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân khi trực tiếp tham gia “sân chơi” chính trị lớn của đất nước thông qua vai trò giám sát và phản biện. Đặc biệt, công tác giám sát phản biện ngày càng được làm rõ hơn khi cả 4 cấp Mặt trận đều tham gia giám sát.

Với người Mặt trận, năm 2016 là một năm dịch chuyển không ngừng với những chuyến đi miệt mài vươn tới nhiều vùng đất, nhiều chân trời mới để tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, trong buổi tiếp kiến với ông Du Chính Thanh- Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đã tiếp tục khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, tình cảm hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông và các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần không ngừng gìn giữ, kế thừa và phát huy.

Ông Du Chính Thanh cũng nhấn mạnh lại những điều này, coi đó là tài sản quý báu chung và bày tỏ mong muốn Chính Hiệp Trung Quốc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là tăng cường các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên, tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Còn nhớ khi ông Tom Malinowski- trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam để trao đổi, tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo cũng như việc xây dựng Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo- một bước chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama đã đánh giá cao dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này (hiện Luật đã được Quốc hội thông qua), thể hiện sự bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhiều hơn so với các văn bản pháp luật trước đây.

Trong buổi làm việc với ngài Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách về vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, TS Lê Bá Trình- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao thái độ làm việc rất cởi mở và xây dựng của ông Tom Malinowski.

Việt Nam là một trong những nước đa tôn giáo và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam mang tính chất đặc thù. Có những tôn giáo du nhập từ nước ngoài vào, có những tôn giáo phát sinh từ bản địa, có những tín ngưỡng mang nét truyền thống về văn hóa của người Việt Nam. Các tôn giáo Việt Nam luôn luôn sống hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau.

Cho nên trong cuộc trò chuyện trao đổi với ngài Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định, Việt Nam không có chuyện xung đột tôn giáo. Quan điểm phê phán tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam lâu nay không xuất hiện. Một người nào đó có quyền tin, theo hoặc không tin, không theo tín ngưỡng, tôn giáo mà người khác đang tin theo nhưng không được phê phán hoặc có thái độ thiếu tôn trọng, bài xích.

Cuộc trao đổi đã giúp cho ông trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận ra tính hợp lý trong trong quá trình Việt Nam thực hiện đổi mới công tác tôn giáo. Những đổi mới mà theo TS Lê Bá Trình, đó là chúng ta mở rộng dần việc đổi mới công tác tôn giáo sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới chung của đời sống xã hội.

Việc đổi mới phải phù hợp với mức độ và điều kiện phát triển của đất nước, chứ không phải như lâu nay một số nước yêu cầu Việt Nam phải đổi mới ngay, phải chuyển ngay từ trạng thái này sang trạng thái khác. Làm như vậy, theo TS Lê Bá Trình sẽ không đảm bảo được tính ổn định xã hội cũng như bảo đảm tính bền vững của sự phát triển.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm hỏi và động viên người uy tín tiêu biểu tại Kon Tum. (Ảnh: Phạm Hưởng).

3. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc nhằm góp phần làm rõ cơ sở thực tiễn, hoàn thiện chính sách trong công tác của Mặt trận, của Đảng, Nhà nước đối với vùng đông đồng bào dân tộc.

Là người gắn bó với công tác dân tộc trong nhiều năm qua, bà Bùi Thị Thanh- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tìm người tài đức, trong đó có việc phát huy trí tuệ của đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, người tài, đức trong đồng bào các dân tộc thiểu số chính là những người tiêu biểu, có uy tín, được cộng đồng suy tôn, những người được coi là thủ lĩnh của cộng đồng, có tác dụng “dẫn dắt” cộng đồng thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ngay sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị “Tìm người tài đức”.

Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc- tiền thân của báo Đại Đoàn Kết, ngày 14/11/1945, Người viết: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành thì sẽ thực hành ngay”.

Học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc, Nghị quyết khẳng định: “Nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.

Đặc biệt, trong đó, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh tới việc đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc với phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương.

Việc đổi mới đó phải xuất phát từ ý Đảng và lòng dân, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng, theo đúng quan điểm, đường lối và nguyên tắc, kinh nghiệm đổi mới đất nước do Đảng ta đề ra; theo Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Trong thời gian qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20/8/2015 “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”.

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Mặt trận các tỉnh, thành phố vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống triển khai thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng với việc hướng dẫn các tỉnh thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác đi khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng tại một số tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lai Châu, Sơn La ... Tham gia tổ công tác liên ngành đi kiểm tra chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao quà hỗ trợ cho nhân dân
bị thiệt hại bởi mưa lũ tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Chí Đại).

4. Sau một năm UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một cuộc vận động trước yêu cầu đổi mới từ tư duy cho đến cách làm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.

Và việc UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” vào năm 2015 gắn với giảm nghèo bền vững trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng vì mục đích cuối cùng cũng không nằm ngoài mong mỏi ấy.

Để đổi mới công tác vận động, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngay trong năm 2017, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phấn đấu mỗi hộ nghèo, mỗi gia đình chính sách phải có một tổ chức, đoàn thể đứng ra hỗ trợ để người dân không bị rơi vào cùng cực, không để tình trạng trong kinh tế thị trường có rủi ro mà người dân không biết dựa vào ai.

Lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội là một trách nhiệm quan trọng của Mặt trận. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được MTTQ Việt Nam phát động từ tháng 10/2000 để kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức các nhà hảo tâm cho người nghèo. Từ đó đến nay MTTQ Việt Nam cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho người nghèo để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Những thành tựu mà cuộc vận động mang lại có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội và nhân văn.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua hơn 15 năm triển khai xây dựng, quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được số tiền trên 11.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở quỹ các cấp tỉnh, thành phố; còn quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hàng năm cũng vận động được bình quân từ 8 đến 10 tỷ đồng. Những nguồn lực huy động được đã kịp thời hỗ trợ cho người nghèo.

Bằng nguồn quỹ các cấp, trong 15 năm qua đã xây dựng và sửa chữa nhà hơn 1,4 triệu nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Riêng trong 9 tháng năm 2016, bằng nguồn quỹ Vì người nghèo và các nguồn lực đóng góp, Mặt trận các cấp đã xây dựng và sửa chữa trên 34.000 căn nhà cho hộ nghèo, nâng tổng số nhà đại đoàn kết là gần 1,5 triệu căn nhà cho người nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn rất cao. Ước tính trên địa bàn cả nước còn khoảng hơn 2,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 9%, bên cạnh đó hộ cận nghèo còn tỷ lệ tương đối lớn với 1,2 triệu hộ.

Trong năm 2016 và 2017, việc vận động quỹ “Vì người nghèo” sẽ tập trung chủ yếu hỗ trợ người nghèo 5 nội dung là xây dựng nhà ở, đảm bảo cho người nghèo có nơi ở ổn định; hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất cơ bản để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo; hỗ trợ cho người nghèo khi bị ốm đau, phải điều trị nằm viện dài ngày; thăm hỏi động viên người nghèo vào những ngày lễ tết.

“Mục tiêu hỗ trợ của quỹ Vì người nghèo trong những năm tiếp theo không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên. MTTQ Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên để có những hoạt động hỗ trợ, tư vấn dạy nghề cho hộ nghèo để họ có điều kiện, cơ hội, có công ăn việc làm vươn lên trong cuộc sống. Mục tiêu là giảm nghèo bền vững, chúng ta không đem “con cá” đến cho người nghèo mà trao cho họ “cần câu”- Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: “Chúng ta là người làm thực tiễn, chúng ta không đợi khoa học chín muồi trong mỗi con người rồi mới hành động mà hãy hành động vì cuộc sống. Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động vì cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO